Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 bùng phát là bởi hơn 70% sản phẩm được xuất ở dạng tươi với thời gian bảo quản ngắn. Đặc biệt, thị trường lớn nhất là Trung Quốc áp dụng chính sách "zero COVID-19" song song với nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu cũng khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam lúng túng.
Nhiều cơ hội mới
Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho thấy xuất khẩu ngành hàng này trong 10 tháng năm 2022 ước đạt 2,8 tỉ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức sụt giảm 18,9% của 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ, hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm có tín hiệu hồi phục khá.
Xuất khẩu chuối có nhiều thuận lợi, dự kiến đạt tăng trưởng khá trong năm nay
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit, cho hay tại Hội chợ "Asia Fruit Logistica 2022" khai mạc ngày 2-11 vừa qua tại Thái Lan, đoàn DN ngành rau quả Việt Nam tham gia đã gặt hái nhiều thành công. Tại đây, các DN trực tiếp gặp và củng cố mối quan hệ với khách hàng cũ, đồng thời tiếp xúc nhiều khách hàng tiềm năng mới. Một số trái cây Việt Nam như thanh long, sầu riêng, chanh không hạt... được nhiều khách hàng quan tâm. Đáng chú ý, mặt hàng sầu riêng được khách hàng Thái Lan hỏi rất nhiều do nước này chỉ thu hoạch sầu riêng trong 6 tháng, còn Việt Nam có quanh năm.
"Từ tháng 10, xuất khẩu rau quả khởi sắc trở lại khi bước vào cao điểm tiêu thụ cuối năm và các thị trường chính mở cửa thêm mặt hàng mới. Tiêu biểu là Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng tươi và chanh dây, thí điểm xuất qua tỉnh Quảng Tây.
Còn Mỹ mở cửa cho trái bưởi tươi. Với kỳ vọng xuất khẩu tăng cao trong 2 tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu cả năm có thể đạt khoảng 3,5 tỉ USD. Năm 2023, ngành rau quả dự báo bùng nổ với giá trị xuất khẩu lên đến 4 tỉ USD và tăng tiếp lên 5 tỉ USD trong năm tiếp theo" - ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Lý giải cho nhận định lạc quan trên, ông Nguyên cho rằng rau quả Việt Nam có lợi thế ở thị trường Trung Quốc. Bên cạnh việc khơi thông thị trường rộng lớn cho trái sầu riêng, một số trái cây khác như thanh long, xoài, bưởi, chuối... cũng sẽ được Trung Quốc nhập nhiều do nước này vừa trải qua hạn hán, nhiều diện tích canh tác bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sau thời gian bị siết xuất khẩu tiểu ngạch, nông dân và DN bắt đầu thích nghi với yêu cầu sản xuất bài bản, dần đủ năng lực xuất khẩu chính ngạch.
Phát biểu tại một hội thảo, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, cho biết trong những chuyến công tác nước ngoài gần đây, bà nhận thấy thực phẩm Việt Nam, nhất là sản phẩm chế biến từ rau quả, được bày bán nhiều nhưng khi xem bao bì thì phát hiện sản phẩm không phải xuất xứ từ Việt Nam.
"Thế giới đang có xu hướng tìm về nguyên bản. Do đó, sản phẩm ẩm thực xuất xứ Việt Nam đang có cơ hội lớn. Tôi đang đầu tư vào một DN nghiên cứu phát triển các loại bánh từ chuối rất tiềm năng với định hướng không chỉ xuất khẩu sản phẩm chuối có thương hiệu mà còn xuất khẩu cả mô hình kinh doanh" - bà Phi Vân cho hay.
Chú trọng xuất khẩu chính ngạch
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (tỉnh Đồng Nai), thông tin người trồng chuối năm nay đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha nhờ thị trường chính là Trung Quốc hút hàng và các thị trường ngách cũng có nhu cầu lớn. Tính đến thời điểm này, tổng sản lượng xuất khẩu chuối của HTX Thanh Bình đã gấp đôi năm ngoái.
"Dù trái chuối được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng Nghị định thư về xuất khẩu chuối giữa Việt Nam - Trung Quốc mới được ký kết đã hỗ trợ thêm rất lớn cho toàn bộ chuỗi ngành hàng. Từ đây, các quy định về canh tác, đóng gói, xuất khẩu đều rõ ràng, giúp nông dân, HTX và DN thuận lợi hơn khi thực hiện" - ông Hùng phân tích.
Ngoài trái chuối vốn đã được đầu tư phát triển đến ngưỡng, HTX Thanh Bình đang phát triển một cây trồng mới. Tuy chưa tiết lộ thông tin cụ thể nhưng Giám đốc Lý Minh Hùng cho hay HTX sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng châu Âu (EU).
"Cách đây mấy tháng, tôi được tham gia đoàn khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và phát hiện thị trường này cần nhiều sản phẩm mà HTX chúng tôi có thể đáp ứng. Việc sản xuất theo đơn đặt hàng sẽ thuận lợi hơn việc HTX có hàng rồi mới chào bán" - ông Hùng nói.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho hay nhờ kiên định xuất khẩu chính ngạch, DN dự kiến đạt mức tăng trưởng 30%-35% trong năm nay. DN đã xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc và đang chuẩn bị xuất lô bưởi tươi sang Mỹ vào cuối tháng 11.
"Đây đều là những mặt hàng có tiềm năng lớn, giá trị cao. Riêng mặt hàng sầu riêng mới đáp ứng được 10% nhu cầu của khách hàng Trung Quốc. Năm 2023, nếu phát triển được vùng trồng, mở rộng nhà xưởng đóng gói, doanh số của DN có thế tăng ít nhất gấp 2 lần hiện nay" - bà Vy lạc quan.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C - chuyên sản phẩm chế biến từ thạch dừa và nha đam, cho hay xuất khẩu của DN đang chững lại do đồng nội tệ của các thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc... mất giá mạnh khiến hàng nhập khẩu có giá cao hơn, kéo theo sức mua giảm sút. Các nhà nhập khẩu yêu cầu DN giảm giá hoặc cung cấp mặt hàng cấp thấp hơn để phù hợp khả năng chi trả của người dân. Dù vậy, ông Thứ kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trở lại sau quý I/2023 khi người tiêu dùng thích nghi với mặt bằng giá mới.
Cũng ghi nhận xuất khẩu giảm sút do sức mua của thị trường đối tác yếu đi, bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt, cho biết DN vẫn đang xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, nghiên cứu sản phẩm mới phù hợp sự thay đổi của người tiêu dùng, thường xuyên thăm hỏi khách hàng để sẵn sàng tăng trưởng xuất khẩu trở lại khi thị trường hồi phục.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-11
Kiến nghị ưu đãi lãi suất
Tình hình lãi suất tăng cao hiện nay khiến DN lo lắng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất.
Bà Ngô Tường Vy cho biết Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu có kế hoạch xây dựng nhà máy sơ chế, đóng gói quy mô 500 tỉ đồng tại tỉnh Đắk Lắk vào năm 2023. Tuy nhiên, diễn biến lãi suất khiến DN rất áp lực. "Chúng tôi mong muốn tiếp cận được gói vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để có thể tận dụng được cơ hội của thị trường và đồng hành với bà con nông dân để phát triển chuỗi ngành hàng sầu riêng" - bà Vy bày tỏ.
Bình luận (0)