Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Vượt qua hàng rào kỹ thuật ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu sang châu Âu", do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 17-8 tại TP HCM.
Số liệu thống kê được các chuyên gia đưa ra cho thấy Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có số trường hợp nhận cảnh báo và bị trả hàng từ châu Âu nhiều nhất. Tính riêng ngành thực phẩm, năm 2017 có 90 trường hợp. Và từ đầu năm đến nay là hơn 40 trường hợp bị cảnh báo từ thị trường này.
Bà Marieke Van Der Pijl, chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), nhận định Việt Nam hiện nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa trên thế giới. Nhiều mặt hàng chủ yếu xuất khẩu thô nên còn nhiều cơ hội cải tiến, chế biến để nâng giá trị gia tăng.
Xuất khẩu nông sản tăng nhưng số vụ bị cảnh báo do vấn đề an toàn thực phẩm cũng nhiều hơn. Ảnh minh họa: NLĐ
Có điều, các mặt hàng của Việt Nam liên tục bị từ chối nhập khẩu vào châu Âu và một vài thị trường khác, do liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu khiến các lô hàng bị nhận cảnh báo, từ chối nhập đóng gói chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, vượt mức dư lượng kháng sinh theo tiêu chuẩn quy định… Tại châu Âu, vấn đề an toàn thực phẩm được quản lý rất khắt khe do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Đồng thời, khi hàng hóa bị nhận cảnh báo từ thị trường nhập khẩu, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, mất thị trường mà còn ảnh hưởng đến uy tín và lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Ông Nguyễn Huy, Giám đốc khối thực phẩm Công ty Bureau Veritas, dẫn số liệu thống kê cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chiếm hơn 1/3 số trường hợp nhận cảnh báo từ thị trường châu Âu. Nếu từ năm 2015 về trước, các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam bị rất nhiều vấn đề về dư lượng kháng sinh, thì gần đây, nông sản lại nổi lên khi vướng các vụ việc bị cảnh báo liên quan đến an toàn thực phẩm.
"Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt Nam vào châu Âu gia tăng mạnh những năm gần đây, lại đi kèm với số vụ bị cảnh báo" - ông Nguyễn Huy nhận xét.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến được thông qua vào cuối năm nay, theo các chuyên gia sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp. Dù vậy, EVTFA đòi hỏi doanh nghiệp phải cạnh tranh với yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa cao hơn, vượt qua các rào cản kỹ thuật như dán nhãn, đóng gói, các chứng nhận chất lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật… Theo lộ trình giảm thuế, hàng Việt Nam vào châu Âu sẽ cạnh tranh tốt hơn nhưng doanh nghiệp cần chú ý đáp ứng quy tắc xuất xứ nguồn gốc sản xuất.
Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm (RASFF) và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến nhất tại thị trường này là BRC. Cụ thể, tiêu chuẩn BRC sẽ làm rõ các yêu cầu để kiểm soát hàng nhái, hàng giả; khuyến khích minh bạch hơn và truy tìm nguồn gốc trong chuỗi cung cấp; thêm yêu cầu về kiểm soát nhãn và quá trình bao gói dán nhãn… Ngoài ra, thị trường châu Âu còn ưa chuộng tiêu chuẩn Global GAP nên nếu doanh nghiệp Việt áp dụng cùng tiêu chuẩn này sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn.
Bình luận (0)