Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM ngày 27-3 đã tổ chức họp bàn về tình hình thu mua sữa tươi nguyên liệu với đại diện các quận, huyện có nuôi bò sữa, Hội Nông dân TP và 2 công ty thu mua sữa chính trên địa bàn. Theo Sở NN-PTNT, qua khảo sát tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, các công ty thu mua sữa đã thay đổi chính sách thu mua.
Tăng phạt, giảm thưởng, siết thu mua
Cụ thể, từ ngày 16-3, Công ty FrieslandCampina đã nâng tiêu chuẩn thu mua: tăng tỉ lệ béo (từ >3,5% lên >3,6%), tăng vật chất khô, siết chỉ tiêu tổng tạp trùng. Đồng thời, công ty này cũng bỏ mức thưởng thâm niên 200 đồng/kg, chỉ thu mua tối đa 300 kg/hộ/ngày và lượng sữa giao hằng ngày không vượt quá 10% so với lượng sữa bình quân của kỳ thanh toán liền kề trước đó. Đại diện Hội Nông dân TP HCM cho biết việc thay đổi này khiến nông dân bị trừ tiền rất nhiều. Còn đại diện Công ty FrieslandCampina có mặt tại cuộc họp cho biết do nhận thư mời trễ nên chưa có sự chuẩn bị, vì thế chỉ ghi nhận các ý kiến mà không có phát biểu nào.
Trước đó, Công ty FrieslandCampina cũng đã nâng mức khấu trừ khi phát hiện chất trộn thêm, pha nước, kháng sinh từ 7.000 đồng lên 9.000 đồng/kg; giảm thưởng tế bào soma thấp từ 500 đồng xuống còn 400 đồng/kg khiến người chăn nuôi bị giảm tiền giao sữa bình quân 300 - 500 đồng/kg do không đạt chỉ tiêu.
Về phía Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đoàn kiểm tra ghi nhận công ty đang kiểm soát chặt việc thu mua tại các trạm thu mua nên người dân không được giao sữa vượt quá số lượng đã đăng ký trên hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, nơi có đàn bò sữa 70.000 con, lớn nhất TP, việc các công ty thay đổi chính sách thu mua đột ngột khiến người nuôi trở tay không kịp. “Như trường hợp công ty phát hiện một hộ vắt sữa thuê cho 18 hộ khác ở xã Tân Thạnh Đông thì ngưng mua ngay lập tức, trong khi bò của những hộ này hằng ngày vẫn cho sữa. Những hộ không bán được sữa phải đi gửi, thậm chí gửi bò cho những hộ có hợp đồng nhưng cũng đầy rủi ro vì nếu công ty phát hiện thì những người nhận gửi sẽ bị cắt hợp đồng” - ông Cảm nói.
Thống kê đến ngày 12-3, huyện Củ Chi còn 332 hộ nuôi với 2.271 con bò sữa không có hợp đồng bán sữa với các công ty. Tình hình trên đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân, giá bò sữa rớt thê thảm, bán cũng không ai mua, thương lái đến chỉ trả giá theo bò thịt. Ông Cảm đề nghị các công ty sớm ký hợp đồng mới cho bà con và hướng dẫn cách nuôi để đạt được tiêu chuẩn mới.
Phát triển quá “nóng”
Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, cho biết nhiều nông dân rất bức xúc việc các công ty nâng chuẩn nhưng không tăng giá mua sữa. Việc lấy mẫu sữa để phân tích chất lượng (căn cứ để tính giá) các công ty đơn phương thực hiện, người chăn nuôi không hề biết; hợp đồng thu mua sữa quá dài, phức tạp, nhiều người đặt bút ký nhưng không hiểu nội dung nói gì.
Ông Sơn đề nghị các công ty cung cấp danh sách những hộ bán được giá cao nhất (do chất lượng cao) để Hội Nông dân tổ chức đến tham quan học hỏi và cũng là cách minh bạch thông tin giúp người dân thấy được sự công bằng trong đánh giá chất lượng. Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc cung cấp thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho nông dân vì loại thức ăn này mới bảo đảm chất lượng sữa mà các công ty yêu cầu so với việc nuôi bò bằng rơm và cỏ như hiện nay.
Ông Vương Ngọc Long, Giám đốc Kỹ thuật Vinamilk, cho biết đã có lộ trình từ năm 2009 để người nuôi tự vắt sữa, không thông qua vắt sữa thuê từ việc cấp tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật… và đã có thông báo trước đến Hội Nông dân cũng như dán thông báo trước khi cắt hợp đồng.
“Vinamilk không bao giờ từ chối ký hợp đồng với người nuôi mới mà chỉ yêu cầu họ trước khi nuôi phải thông báo đến công ty, để chúng tôi hướng dẫn về chuồng trại, môi trường, khám sức khỏe nhằm bảo đảm chất lượng sữa không bị ảnh hưởng” - ông Long khẳng định.
Tại cuộc họp, một số ý kiến thừa nhận việc phát triển đàn bò sữa của TP HCM quá nóng (tổng đàn khoảng 100.000 con trong khi quy hoạch chỉ 85.000 con) khiến việc giảm đàn, nâng chất đàn bò sữa dù nói nhiều nhưng chưa làm được. Đàn bò sữa tăng nhanh chủ yếu do người nuôi mới, nhỏ lẻ, ít có kinh nghiệm dẫn đến hiệu quả thấp.
Không thay đổi, cầm chắc lỗ
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, nhấn mạnh cần tuyên truyền để người dân không tăng đàn ồ ạt, khuyến khích tăng quy mô số con/hộ và hạn chế việc phát triển nuôi nhỏ lẻ 1-2 con/hộ vì sẽ không có lãi. Đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ có sẵn cần liên kết 3-4 hộ để tăng quy mô và kiểm soát chất lượng lẫn nhau.Với những con bò cho sữa dưới 15 kg/ngày, bò già phải mạnh dạn loại thải vì nuôi cầm chắc lỗ. Nên tập trung hỗ trợ những hộ có vốn, cần kỹ thuật vì với đồng vốn của họ việc thay đổi sẽ rất nhanh, hiệu quả rõ rệt.
Đối với các công ty thu mua, ông Trung đề nghị phải niêm yết công khai quy trình thu mua để người nuôi biết.
Bình luận (0)