Bảy năm trước, nhiều người phát hiện trong căn nhà bỏ hoang có 1 tổ ong dú nên xúm nhau lấy mật. Sau khi mọi người lấy hết mật bỏ đi, nhìn thấy hàng trăm con ong nhỏ bay vù vù trên đầu, anh Nghĩa nảy ra ý định đem về nuôi thử. Ròng rã nhiều năm nuôi thử, nghiên cứu, tìm hiểu, trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng anh Nghĩa cũng đã thành công khi tách, nhân giống được đàn ong dú.
Theo anh Nghĩa, ong dú phù hợp tách đàn nhân giống vào mùa xuân, mỗi năm thu hoạch mật 1 lần vào dịp 30-4. "Ong dú không bỏ đi như ong ruồi, ong khoái… Khi quân trong đàn nhiều thì tách ra đàn khác và cứ thế lượng tổ được nhân rộng. Không gian nuôi có thể đặt dưới hiên nhà, tán cây, tận dụng nhiều nơi trong vườn nhà rất dễ dàng. Ong dú rất thân thiện với con người" - anh Nghĩa nói.
Hiệu quả từ mô hình nuôi ong dú, gia đình anh Đỗ Văn Nghĩa thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Mô hình nuôi ong dú của anh Nghĩa đã có đến 700 đàn. Mỗi năm thu hoạch hơn 100 lít mật, giá mật ong bán ra thị trường dao động từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/lít, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chế tác những tổ ong theo kiểu phong thủy để trang trí cho những người vừa muốn nuôi ong lấy mật vừa trang trí trong không gian nhà, quán cà phê hay quán ăn.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), cho biết trên địa bàn huyện có hơn 30 hộ gia đình nuôi ong dú. Riêng hộ anh Nghĩa nuôi số lượng lớn, đang là điển hình thành công của huyện.
UBND huyện Cát Tiên đang lên kế hoạch thành lập câu lạc bộ nuôi ong dú để hỗ trợ những hộ nuôi trao đổi về kỹ thuật, nâng cao chất lượng mật, đồng thời xây dựng ong dú thành sản phẩm OCOP. Qua đó, tạo được nguồn hàng ổn định, sản phẩm chất lượng, có bao bì nhãn mác và giá cả bảo đảm hỗ trợ người nuôi ong dú Cát Tiên hướng ra thị trường cả nước.
Bình luận (0)