Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư Ninh Thuận, cho biết mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm 1 con/m2; rong nho 0,05 kg/m2. Mô hình này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ tham gia dự án được cán bộ của trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, hải sâm và rong nho.
Sau gần 9 tháng, kể từ ngày thả nuôi các giống thủy sản nói trên, tỉ lệ sống của tôm và hải sâm đạt trên 70% (cao hơn 15% so với nuôi thuần chủng). Sản lượng thu hoạch tôm trên 3,6 tấn/ha, hải sâm gần 2,6 tấn/ha, rong nho 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3 kg/bụi rong. Sau khi trừ chi phí, 3 hộ nông dân tham gia lãi hơn 600 triệu đồng, cao trên 30% so với nuôi tôm sú thuần chủng.
Ông Nguyễn Văn Long, một trong 3 hộ nói trên, cho biết lúc mô hình mới triển khai, ông rất bỡ ngỡ nhưng ngay vụ đầu đã thấy hiệu quả vì môi trường nước sạch hơn, tôm và hải sâm không dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua giá cao hơn, từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (tôm, hải sâm, rong nho).
Theo đánh giá của các chuyên viên thủy sản, lợi ích lớn nhất của mô hình này là giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, đồng thời thức ăn được kiểm soát tốt, không để dư thừa nên môi trường nước rất sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập kế hoạch để nhân rộng mô hình nuôi thủy sản này trên địa bàn.
Bình luận (0)