Theo đó, OCB trở thành 1 trong 2 ngân hàng (NH) thương mại ở TP HCM dẫn đầu với mức chia cổ tức cao nhất 10% và là số ít NH có mức chia cổ tức 5% tiền mặt, theo khẳng định của đại diện NH Nhà nước tại đại hội.
Cổ tức hấp dẫn
Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt 20 năm hoạt động và phát triển của OCB. Kết quả kinh doanh khả quan cùng nhiều thành tựu đáng ghi nhận khẳng định sự bứt phá - thành công của OCB về mọi mặt.
Phát huy những nền tảng và thế mạnh về hệ thống quản trị, con người, công nghệ…, OCB đã chứng minh sự trưởng thành của thương hiệu, sự định vị của NH tốt, mạnh thông qua chỉ số lợi nhuận tốt, chất lượng tài sản cao, hệ thống quản trị minh bạch. Kết thúc năm tài chính 2016, tổng tài sản của OCB tăng trưởng 29%, đạt hơn 63.000 tỉ đồng; tổng dư nợ tăng trưởng 35%, đạt hơn 39.600 tỉ đồng; tổng huy động tăng trưởng 51%, đạt hơn 46.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu giảm về mức 1,51%; đặc biệt là lợi nhuận trước thuế đạt 484 tỉ đồng.
Đại hội cũng đã trình cổ đông thông qua mức chia cổ tức 10% - mức cao trong hệ thống các NH hiện nay. OCB trở thành 1 trong 2 NH dẫn đầu tại TP HCM có mức chia cổ tức cao nhất và là số ít NH được chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 5% trên tổng số. Điều này khẳng định việc kinh doanh hiệu quả của OCB và mang về cho cổ đông lợi ích thực.
Cũng chính vì cổ tức cao mà giá cổ phiếu OCB trên thị trường OTC đã tăng từ 6.000 đồng lên gần 8.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong 2-3 tháng trở lại đây.
Mục tiêu tăng trưởng 30%-40%
Lãnh đạo OCB đã đặt ra mục tiêu cho những năm tiếp theo khá cao. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, quy mô tăng trưởng trung bình 30%-40%/năm; lãi trước thuế đạt 780 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2016; ROE và ROA lần lượt là 14,4% và 0,8%; tỉ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng tài sản dự kiến tăng trưởng 33%, lên hơn 85.000 tỉ đồng; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 14%, lên hơn 44.200 tỉ đồng. Tổng huy động tăng 34%, lên 77.500 tỉ đồng, trong đó huy động thị trường 1 hơn 66.500 tỉ đồng (tăng 44%).
Tất cả báo cáo, tờ trình và nghị quyết của đại hội đã được cổ đông thông qua với tỉ lệ tán thành cao như: tờ trình về phương án chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, thành lập hoặc mua lại công ty tài chính, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, ủy quyền cho HĐQT và ban kiểm soát một số vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội cổ đông.
Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, đánh giá OCB là một NH tốt với tốc độ tăng trưởng cao, tỉ suất lợi nhuận trên dưới 10%, chất lượng tài sản tốt với nợ xấu 1,51%. Với những hoạch định chiến lược phát triển rõ ràng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nền tảng cơ sở và quyết tâm của ban điều hành, toàn thể CBNV cũng như sự ủng hộ của cổ đông, đối tác, lãnh đạo OCB tin tưởng NH này tiếp tục duy trì vị thế thuộc tốp 10 NH tốt nhất Việt Nam. Ông Tuấn cũng động viên cổ đông cùng gắn kết đồng hành, tin tưởng vào sự phát triển của OCB trong những năm tới.
Tham dự đại hội cổ đông của OCB, ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Giám sát NH TP HCM, cho biết NH Nhà nước đánh giá cao những cố gắng của HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành cùng toàn thể CBNV OCB. OCB đã có 1 năm tăng trưởng rất ấn tượng với các chỉ số hoạt động, tăng trưởng về huy động, dư nợ, chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát tốt nợ xấu. Điều này cho thấy mức độ tín nhiệm của khách hàng dành cho OCB ngày càng cao.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Thuần cũng rất chia sẻ với những nỗi lo của cổ đông về cổ tức. Tuy nhiên, với mức chia 10%, OCB là 1 trong 2 tổ chức chi trả cao nhất so với 11 NH có trụ sở trên địa bàn TP HCM. NH Nhà nước cũng lưu ý vấn đề tăng vốn của OCB là nhu cầu cần thiết nhằm tạo nền tảng cho NH đáp ứng yêu cầu vốn theo lộ trình, nâng cao khả năng phục vụ khách hàng, đầu tư mở rộng hệ thống mạng lưới…
Bình luận (0)