Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỉ giá, tín dụng, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.
Đó là làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn bảo đảm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam trong bối cảnh đồng đô-la Mỹ tăng giá mạnh mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải bảo đảm nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, vì ngân hàng là một kênh phân phối chính cho nền kinh tế, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu tại diễn đàn
Theo ông Phạm Thanh Hà, khó khăn của nền kinh tế là một tổng thể và trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng. Do đó, cần tìm được điểm hài hòa, đó là vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
"Điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến mục tiêu tổng thể, ổn định kinh tế vĩ mô. Mong muốn ổn định lãi suất là chính đáng, ngành ngân hàng mong lãi suất ổn định, lãi suất thấp, cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống tài chính ngân hàng" - ông Hà khẳng định.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo năm nay kinh tế thế giới sẽ suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm lại song sẽ hồi phục vào năm 2024. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không còn tăng lãi suất trong năm nay và sẽ đảo chiều lãi suất năm tới. Ngân hàng Nhà nước đã đi trước một bước trong giảm lãi suất điều hành. Thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%/năm, tương đương với lãi suất trước đại dịch COVID-19.
Bình luận (0)