Ngày 20-4, Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, với nhiều nội dung quan trọng như thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2017, kế hoạch kinh doanh năm 2018, trích thưởng khi vượt kế hoạch lợi nhuận, thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát, bầu bổ sung thành viên HĐQT…
Trong đó, hai người được đề cử bổ sung vào HĐQT là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, hiện là tổng giám đốc Sacombank. Bà Diễm sinh năm 1973, được bổ nhiệm làm tổng giám đốc NH này từ tháng 7-2017.
Một cái tên khá bất ngờ được bầu bổ sung vào HĐQT Sacombank là ông Nguyễn Văn Huynh, sinh năm 1953. Ông Huynh trước đó là Phó chủ tịch HĐQT của NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và vừa từ nhiệm HĐQT NH này hồi tháng 3-2018.
Ngoài làm việc tại LienVietPostBank, ông Huynh còn là sếp của nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP tập đoàn Liên Việt, thành viên HĐQT Công ty chứng khoán Liên Việt, Chủ tịch công ty TNHH H.T.H và Thành viên HĐQT Công ty CP thẩm định giá và dịch vụ tài chính Sài Gòn.
Cổ tức là vấn đề được các cổ đông quan tâm tại Đại hội cổ đông của Sacombank ngày 20-4
Tại đại hội, một trong những vấn đề cổ đông Sacombank bức xúc và thắc mắc nhiều nhất là cổ tức. Năm 2017, Sacombank lãi trước thuế 1.491 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dùng để phân phối là hơn 1.100 tỉ đồng nhưng không chia cổ tức. Nhiều cổ đông thắc mắc vì sao 2 năm nay NH không chia cổ tức nhưng lại đề xuất cho HĐQT, Ban kiểm soát được nhận thù lao 2% trên tổng lợi nhuận.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank, cho biết 2 năm qua sau khi sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank, NH đã trình đề án tái cơ cấu sau sáp nhập và đến tháng 6-2017 mới được thông qua. NH Nhà nước yêu cầu phải trích lập dự phòng để tăng tiềm lực tài chính nên thời gian này không được chia cổ tức. Đồng thời, đề án tái cơ cấu là phải sau 10 năm mới hoàn tất theo đề án được NH Nhà nước phê duyệt.
"Không chỉ các công đông nhỏ lẻ mà ngay cả HĐQT là những người như chúng tôi tham gia vào HĐQT Sacombank cũng phải chịu thiệt thòi không nhận cổ tức mà phải cam kết nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu. Trong năm 2017, Sacombank đã xử lý được 20.000 tỉ đồng nợ xấu, trong khi mục tiêu ban đầu chỉ có 10.000 tỉ đồng" – ông Minh nói.
Ông Dương Công Minh (giữa) khẳng định HĐQT sẽ cố gắng tái cơ cấu Sacombank hoàn tất trong 5 năm
Sau khi nghe ông Minh giải thích, một số cổ đông tiếp tục bức xúc về cổ tức và truy hỏi HĐQT đến khi nào cổ đông mới có cổ tức? Chủ tịch Sacombank cho biết trong năm 2018-2019, NH sẽ xin ý kiến NH Nhà nước chia một phần cổ tức từ lợi nhuận để lại cho cổ đông.
"Sacombank cũng không có chủ trương sáp nhập thêm một NH nào khác mà chỉ tăng quy mô về mở rộng mạng lưới, đồng thời tăng quy mô 2 NH con ở Lào và Campuchia. Chúng tôi đang tập trung cho việc tái cơ cấu theo đề án đã được NH Nhà nước phê duyệt và HĐQT nỗ lực đẩy mạnh chỉ trong vòng 5 năm là hoàn thành đề án tái cấu trúc, rút gắn được thời gian so với đề án được phê duyệt. Sau 5 năm nếu không tái cơ cấu được, tôi cũng sẽ rời Sacombank" - ông Minh khẳng định.
Được biết, tính đến cuối năm ngoái, phần lợi nhuận để lại của Sacombank cộng dồn từ các năm trước khoảng hơn 1.600 tỉ đồng.
Năm 2018, Sacombank đặt kế hoạch nâng tổng tài sản lên 430.900 tỉ đồng, tăng 16,9% so với cuối năm ngoái. Nguồn vốn huy động đạt 399.100 tỉ đồng, dư nợ tín dụng đạt 255.200 tỉ đồng, tăng lần lượt 17,9% và 13,1% so với năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.838 tỉ đồng, tăng 23,2%.
Bình luận (0)