Ngày 5-12, tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ về động lực để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, 2 năm qua nếu không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam tăng 7%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 2,91% vào năm 2020 và dự kiến tăng 2,5% năm nay.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nói về động lực phục hồi và phát triển kinh tế
Từ phân tích nêu trên, ông Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2020, kinh tế thiệt hại khoảng 160.000 tỉ đồng và 346.000 tỉ đồng năm 2021. "Tổng cộng 2 năm qua, thiệt hại khoảng 507.000 tỉ đồng" - ông cho biết.
Để giảm thiệt hại, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương cho rằng cần gói giải pháp phục hồi tổng thể với 4 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và chuyển đổi số.
Từ thực tế của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... ông Nguyễn Thành Phong cho rằng quốc gia có tăng trưởng nhanh đều dựa vào thị trường rộng lớn bên ngoài và mở rộng quy mô sản xuất, thu ngoại tệ để nhập khẩu thiết bị cần thiết. Các nước này đều dựa vào xuất khẩu, đầu tư ở mức cao.
Hiện nay, khuyến khích tiêu dùng nội địa rất cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức sẽ làm giảm tiết kiệm, qua đó làm giảm đầu tư hoặc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, việc khai thác thị trường trong nước cần chú trọng sản xuất hàng tiêu dùng thay vì nhập khẩu như hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để gieo kỳ vọng, niềm tin cho nhà đầu tư trong nước. Khi xuất khẩu cao, đầu tư tăng, mặc dù kinh tế khó khăn thì niềm tin giới đầu tư và khả năng phục hồi sẽ nhanh chóng.
Nhắc đến giai đoạn 2011-2015, Phó Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh Việt Nam khá bất ổn về kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng, nợ xấu mạnh, nợ công, thâm hụt ngân sách lớn nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao trong khu vực. Vì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong giai đoạn này đạt 17,5% và vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,54%.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý việc xuất khẩu và thu hút đầu tư trong nước rất quan trọng, nhưng đầu tư Nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt tạo nền tảng thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tư nhân phát triển.
Các đại biểu thảo luận tại phiên Toạ đàm cấp cao, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021
Để khơi thông 2 động lực tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, ông Nguyễn Thành Phong nói cần phải có các gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng và giảm được chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp. Về các gói kích thích, ông đề xuất có thể thông qua việc hỗ trợ chi phí phòng chữa bệnh cho các doanh nghiệp, chi phí thuê nhà ở, chi phí xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động, chi phí trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định, chi phí về nghĩa vụ thuế…
Tham gia thảo luận về gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cần đánh giá mức độ hấp thụ nền kinh tế. Hiện nay, theo ông Cường, giải ngân vốn đầu tư công chậm, vậy phải làm thế nào để vốn đưa vào nền kinh tế phải có hiệu quả.
Về phía cơ quan của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng chính sách phục hồi kinh tế tập trung cả phía cung và cầu, cung tập trung giảm thuế doanh nghiệp, kích cầu thị trường đầu tư. Bên cạnh đó phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ phục hồi.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, các chính sách cũng cần đủ lớn để tạo ra cú hích, sự thay đổi cho nền kinh tế. Đồng thời các gói kích thích phải khả thi và thực thi nhanh chóng, trong đó tập trung các ngành trọng tâm, trọng điểm, hấp thụ nhanh và lan tỏa rộng.
Bình luận (0)