Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN) diễn ra chiều 25-4, có cổ đông đã "trách" lãnh đạo PAN phân biệt cổ đông nhỏ khi không "phát" 100kg gạo đối với cổ đông sở hữu dưới 25.000 cổ phiếu.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN, giải thích PAN cần phải có "hạn mức" để thuận lợi cho việc tính toán quyền lợi cho cổ đông. Ông Hưng mong cổ đông xem đây không phải là cổ tức mà chỉ là một phần chi phí dành cho marketing trong mùa đại hội cổ đông.
Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc PAN, cho biết năm 2022, dù kinh tế còn khó khăn nhưng PAN đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đạt mức kỷ lục. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 13.655 tỉ đồng, tăng 47 % so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 794 tỉ đồng, tăng 55 % so với năm 2021. PAN quyết định không chia cổ tức 2022 mà giữ lại dành cho hoạt động công ty.
Lãnh đạo PAN trao đổi tại ĐHCĐ
Tăng trưởng năm 2022 có đóng góp chủ yếu từ việc hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh mảng khử trùng và nông dược của Công ty Cổ phần Khử Trùng Việt Nam. Tại các mảng kinh doanh còn lại, PAN vẫn duy trì và đạt được tăng trưởng mạnh mẽ.
Về cơ cấu doanh thu năm 2022, mảng thủy sản đóng góp 6.300 tỉ đồng (46%), mảng nông nghiệp đóng góp 4.900 tỉ đồng (36%), thực phẩm đóng góp 2.400 tỉ (18%). Về cơ cấu lợi nhuận sau thuế: thủy sản đóng góp 42%, nông nghiệp 53%, thực phẩm 18%.
Ấn tượng trong hoạt động M&A trong năm 2022 là việc PAN đã hoàn tất sở hữu 98,31% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Bibica (Bibica - mã chứng khoán BBC) thông qua việc việc mua thành công 7,342 triệu cổ phiếu BBC của Bibica với giá chào mua 71.000 đồng/cổ phiếu, với mức đầu tư 524,158 tỉ đồng. Tổng giá trị đầu tư vào Bibica hơn 1.226 tỉ đồng
Đồng thời, thông qua công ty thành viên là Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta - mã chứng khoán FMC), PAN đã sở hữu 200 ha vùng nuôi gần biển, sở hữu 100% cổ phần vốn tại Công ty TNHH Vĩnh Thuận với tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Việc mua lại Vĩnh Thuận giúp Sao Ta phát huy thế mạnh của mình trong việc nuôi tôm, gia tăng chất lượng, truy xuất nguồn ngốc, qua đó gia tăng biên lợi nhuận.
Nhận định kinh tế còn khó khăn, năm 2023, PAN đặt kế hoạch thận trọng, với doanh thu 15.156 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất tương ứng 991 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 840 tỉ đồng, chia cổ tức 5%. Đặc biệt, PAN đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.163 tỉ đồng lên gần 4.522 tỉ đồng (220%) theo 3 hình thức là phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ 5:2; chào bán cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 2:1 (giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu); chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Nguồn vốn huy động dự kiến được sử dụng cho việc mở rộng hoạt động đầu tư M&A và hỗ trợ vốn kinh doanh và tái cơ cấu khoản vay.
Bình luận (0)