“Canh bạc” Singapore
Tự mình nghiên cứu ra toàn bộ sản phẩm của Kova, không quảng cáo, tiếp thị..., nhưng bà Nguyễn Thị Hòe vẫn làm cho nhiều tập đoàn sơn có tên tuổi trên thế giới phải kiêng dè. Sự kiêng dè này nằm ở chỗ bà dám đánh thẳng vào những thị trường khó tính, dám tung ra những dòng sơn đi trước thời đại.
* Việc tham gia thị trường Lào, Campuchia của Kova là điều dễ hiểu bởi mặt bằng thị trường sơn ở hai nơi này khá tương đồng với Việt Nam. Nhưng với thị trường Singapore lại là chuyện khác, thậm chí đây là thị trường rất khó tính và rủi ro cao?
- PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe: Thị trường Singapore cực kỳ khó, nhưng tôi quyết làm bởi thấy được sự hấp dẫn. Tại Singapore, Chính phủ quy định, mọi công trình xây dựng cứ 5 năm phải sơn lại một lần, ai không sơn sẽ bị phạt.
Do đó, quy mô thị trường dù nhỏ nhưng giá trị lại cao. Hơn nữa, nếu đã thành công tại thị trường này, con dấu chứng nhận nhãn hiệu của Singapore đủ để giúp Kova có thể đi khắp mọi nơi.
* Vậy bà phải mất bao lâu để thực hiện kế hoạch đó?
- Mất 6 năm, và kết quả là Kova đã đi vào gần hết các công trình lớn như: siêu thị lớn nhất Singapore, tòa chung cư 800 căn hộ, sân bay... Nhưng cũng nói thật, chuyến đi này rất gian nan.
Ngày đầu sang Singapore, phía đối tác nói thẳng: “Việt Nam chỉ xuất khẩu được đồ mây tre hay thực phẩm, còn về khoa học kỹ thuật thì sao chọi nổi mấy nước khác!”. Tôi mặc kệ, vẫn tự tìm hiểu thị trường, rồi quyết định thuê văn phòng.
Nhận thấy không thể cạnh tranh được bằng quảng cáo, tiếp thị, tôi chọn cách đưa sản phẩm vào trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu của Singapore. Riêng việc này đã ngốn của Kova hàng tỷ đồng. Kiểm nghiệm một mẫu ở Việt Nam chỉ vài triệu đồng, trong khi tại Singapore, một mẫu với 17 thông số tốn hết 3.300USD (khoảng 80 triệu đồng). Mất một năm tôi mới kiểm nghiệm xong.
Trước đó, Tập đoàn Sơn ICI vào Singapore cũng phải mất ba năm cho việc kiểm nghiệm.
Sau khi đạt được tiêu chuẩn rồi, tôi mới bắt đầu chứng minh với Chính phủ về chất lượng bằng số liệu thực tế. Tôi tìm đến các buổi đấu thầu công trình, công bố thời gian hợp tác 20 năm với đối tác Mỹ, dẫn chứng bằng những công trình đã làm tại Việt Nam.
Thế nhưng, dù đã có Giấy chứng nhận của Chính phủ Singapore, nhưng phía nhà đầu tư vẫn buộc phải kiểm chứng trên công trình thực. Công trình đấu thầu đầu tiên là condo 800 căn tiêu chuẩn 5 sao với loại sơn tự làm sạch.
Trong quá trình xây dựng các căn hộ, họ làm trước một căn hộ mẫu rồi cho các hãng sơn tham gia đấu thầu sơn lên thử nghiệm. Sau một năm, vừa lúc toàn bộ công trình đã xây dựng xong, chủ đầu tư mới kiểm nghiệm lại chất lượng sơn của các hãng trên căn hộ mẫu trước đó, và quyết định chọn Kova.
Tôi phải mất hai năm mới cung cấp đủ lượng sơn cho 750 căn hộ. Từ đó đến nay đã 5 năm, sơn cho công trình đó vẫn tốt. Đấy chính là dấu chứng nhận tốt nhất.
* Tốn kém, nhiều rủi ro, có khi nào bà nghĩ đến chuyện từ bỏ thị trường khó tính này?
- Chưa bao giờ tôi có ý định rời bỏ Singapore, vì hoàn toàn tự tin vào chất lượng sơn của mình. Riêng dòng sản phẩm sơn đặc biệt tại Singapore thì hầu như không có ai cạnh tranh.
Với sản phẩm sơn thông thường, hiện Kova chỉ phải cạnh tranh với ICI và Nippon. Lợi nhuận của sơn đặc biệt gấp mấy lần sơn thông thường, và phần nào bù lỗ cho những đầu tư làm sơn thông thường ban đầu khi chúng tôi mới vào Singapore.
Chi phí ở Singapore rất cao, để tiết giảm, tôi đưa công nhân qua đó làm bằng hộ chiếu du lịch chỉ có thời hạn một tháng. Nhiều lúc quá hạn, tôi phải đưa họ qua Malaysia ăn một bữa cơm rồi quay về, coi như đã qua một lần ra khỏi Singapore.
Làm vậy vô cùng tốn kém, nhưng phải chịu, vì Singapore kiểm tra người rất chặt chẽ. Chi phí ban đầu lỗ kinh khủng. Lần đầu tiên tôi xuất sang một container sơn nhưng bị đổ sạch do bão lụt, bị chính quyền phạt mấy ngàn USD, rồi phải thuê người dọn dẹp...
Lương cho một kỹ sư bên Singapore khoảng 60 triệu đồng/tháng, còn lao động thông thường cũng 40 triệu đồng. Với số tiền này tôi có thể thuê 10 công nhân ở Việt Nam.
* Bà nói rằng, một khi đã thành công tại Singapore, đó sẽ là con dấu để vươn ra xa hơn?
- Đúng vậy. Hiện phía Quảng Châu đặt hàng rất nhiều, nhưng tôi không dám nhận vì số lượng khá lớn, nếu chậm giao hàng, họ phạt nặng.
Malaysia muốn tôi mở một nhà máy tại đó, nhưng tôi chưa quyết định. Ngay cả phía Singapore cũng muốn liên doanh với Kova để mở một nhà máy tại Malaysia nhưng tôi không đồng ý.
Lý do là tôi đã ký hợp đồng với đối tác Mỹ cách đây 17 năm, nếu bây giờ liên doanh sẽ liên quan đến bí mật công thức sơn. Trong nội dung hợp tác với phía Mỹ có quy định bên nào nghiên cứu được một mẫu mới thì sẽ chuyển giao, chia sẻ công thức với bên kia.
Hướng đi của Kova là chuyển giao công nghệ và đầu tư ở nước ngoài. Tôi dự định sắp tới tổ chức hội thảo về sơn Nano tại Mỹ và cũng thành lập công ty ở đây.
Nhà khoa học làm kinh doanh
Bà Hòe luôn khẳng định cách làm thương hiệu của mình là dựa trên chất lượng. Một hình ảnh thành công về thương hiệu sơn Kova mà bà thích nhất là tại Singapore. Một lần, đi qua các chung cư ở Singapore, thấy người dân dùng rất nhiều thùng sơn Kova để trồng cây, bà hỏi một phụ nữ sống ở đó: “Bà kiếm ở đâu cái thùng này vậy?”, người phụ nữ trả lời: “Không biết con tôi xách ở đâu về, nhưng vỏ thùng rất tốt”.
* Bao năm qua bà làm kinh doanh theo đúng kiểu “một nhà khoa học”?
- Tôi vẫn luôn coi mình là một nhà khoa học làm kinh doanh. Thực tế là trong hơn 20 năm giảng dạy, tôi đã nhận 20 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp bộ. Lúc đầu làm kinh doanh, tôi rất khờ. Thời kỳ dạy ở Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, tôi đã làm sơn, bán trong 3 năm và bán đến đâu lỗ đến đó.
Một đối tác nước ngoài sang hợp tác với tôi, hỏi tôi bán giá nào, sau khi tôi nói giá, họ tính toán rồi bảo là bán giá này thì lỗ là phải rồi, vì họ tính mọi chi phí, kể cả tiền điện thoại, công tác phí..., trong khi tôi chỉ tính tiền công và điện, nước.
* Nhưng đấy chính là nền tảng để bà xây dựng nên Tập đoàn Sơn Kova?
- Hồi đầu tôi không bán sơn bằng thùng, mà bán bằng can, nhiều người còn đem cả nồi đến đựng. Khi nhận giải thưởng Kovalevskaya, tôi mới chính thức đặt tên sản phẩm là Kova, nhưng cũng chưa biết in tên nhãn hiệu lên thùng sơn.
Lần thứ hai qua Mỹ là vào năm 1994, khi về tôi xách theo một vỏ thùng, đưa cho một xí nghiệp bao bì ở quận 6 làm mẫu và phải mất hai năm mới ra được vỏ thùng. Lúc đó, các hãng sơn khác ở Việt Nam mới bắt đầu làm theo. Khi đó sản phẩm vẫn làm trong Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và bán ngay tại đó.
Khách đến mua nhiều nhưng bị bảo vệ kiểm soát giấy tờ kỹ quá, vả lại mặt bằng sản xuất cũng bắt đầu trở nên chật hẹp, nên năm 1996 tôi mở liên doanh với Vinaconex Hà Nội, thành lập liên doanh Kova - Vinaconex Hà Nội với tư cách là trung tâm nghiên cứu.
Năm 1998, hoạt động trong cơ chế nhà nước, bản thân lại là liên doanh tư nhân, nên tiền bán hàng lấy ra không được. Năm 2000, tôi quyết định mở Công ty Kova TP.HCM, giao cho con gái làm giám đốc. Khi đó tôi vẫn tiếp tục nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
* Một trong những “canh bạc” lớn để Kova phát triển là việc bà sang Mỹ gần như với hai bàn tay trắng?
- Lúc đó tôi ký một hợp đồng với phía Mỹ. Dù Đại học Bách Khoa TP.HCM rất ủng hộ, nhưng do quá khó khăn nên không hỗ trợ tôi được về tài chính. Tôi phải đi vay mượn khắp nơi, lãi suất lúc đó tới 5%, và tôi phải bán cả chiếc xe máy duy nhất cũng chỉ gom góp được vỏn vẹn 500USD.
Tôi mang sang Mỹ một vali 25kg nhưng toàn mẫu gạch ngói, đất đá và mì gói. Tôi đã phải ăn mì gói trong suốt hai tháng liền, nhiều người gặp tôi lúc đó không nhận ra vì gầy nhom do suy dinh dưỡng.
Về nước cứ 6 giờ sáng lên lớp, 9 giờ rưỡi tối mới về đến nhà, ăn vội vàng, nghỉ ngơi rồi hôm sau lại lên công ty làm. Chính nhờ miệt mài nghiên cứu mà tôi đã đóng góp cho trường hàng tỷ đồng lợi nhuận.
Lúc đó chẳng có thầy nào làm cho tôi vì tôi đâu có tiền trả lương, tôi phải thuê công nhân bên ngoài phụ việc, kể cả nghiên cứu cũng phải nhờ thêm mấy đứa con.
Chinh phục nano
Mười năm âm thầm nghiên cứu công nghệ sơn Nano và đã bỏ ra hàng triệu USD cho nghiên cứu, mới đây, Kova đã chính thức công bố dòng sản phẩm sơn mới này, trong đó đặc biệt là loại sơn Nano Epoxy với thành phần chủ yếu là hạt Nano. Đó là loại sơn khi sản xuất không phát sinh chất thải; khi sử dụng hàm lượng chất hữu cơ bay hơi gần như bằng không. Phía các nhà khoa học quốc tế đã công nhận đây là loại sơn sạch đầu tiên của dòng sơn Epoxy trên thế giới.
*Vì sao bà dành khoảng thời gian quá dài cho nghiên cứu sơn theo công nghệ Nano?
- Trên thế giới, Nano được nói đến từ lâu, chủ yếu là về y học, máy tính. Ba mươi năm trước, khi học về cơ lượng tử, tôi cũng đã đọc sơ qua tài liệu về Nano, nhưng lúc đó còn rất mơ hồ.
Cách đây chừng 18 năm, một số nhà khoa học Mỹ đưa tôi đến Trung tâm Vũ trụ Nasa. Họ có nói tôi nghiên cứu một sản phẩm sơn nhẹ, sơn lên mà không bị gỉ.
Tôi đã chụp rất nhiều hình làm tư liệu. Lúc đó tôi nghĩ sơn này sẽ phải chịu nhiệt rất cao, thứ hai là khả năng cách âm tốt, thứ ba là phải rất nhẹ và chịu được thời tiết rất khắc nghiệt.
Thật tình lúc đó tôi chưa định được hướng đi, nhưng dần dần điều này gợi ý cho tôi phải làm ra một sản phẩm sơn đặc biệt, và chỉ có áp dụng công nghệ Nano mới giải quyết được.
Năm năm sau, tôi bắt tay vào nghiên cứu. Giờ đây nghiên cứu đó đã cho ra thành phẩm, tôi dùng đèn khò 1.300 độ trong 4 giờ đồng hồ vào sơn mà không bị gì.
* Việc quyết tâm chinh phục thị trường nước ngoài, kiên trì nghiên cứu cho ra dòng sản phẩm sơn đặc biệt có ý nghĩa gì với bà?
- Về kinh tế không quan trọng, nhưng để sản phẩm Việt Nam có tiếng trên thế giới mới là khát vọng của tôi. Tôi làm ra sơn Nano cũng là vì vậy.
Kova là công ty đầu tiên nghiên cứu thành công sơn Nano Epoxy.
Trong hai hội thảo tôi vừa tổ chức, phía Mỹ đã phải công nhận chưa có quốc gia nào nghiên cứu về sơn Nano Epoxy và họ đã đề nghị chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác kinh doanh. Đối với tôi, tiền bây giờ không còn quá quan trọng, bởi bản thân tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ: ăn thì ăn kiêng, du lịch không thích vì chỉ thấy phòng thí nghiệm là... đẹp nhất.
Suốt những năm qua và cho đến giờ tôi vẫn trực tiếp nghiên cứu sản phẩm cho công ty. Thậm chí tôi còn làm cả ngày Chủ nhật, 6 giờ sáng đã vào phòng thí nghiệm, tối nhiều khi làm đến 9 giờ, khi anh em về rồi tôi vẫn làm.
* Vậy một công trình khoa học nói chung, theo bà, thế nào được coi là có hiệu quả?
- Một công trình khoa học phải làm ra của cải thì mới có hiệu quả. Tôi chưa nghiên cứu một đề tài nào mà không được ứng dụng. Tôi từng nghiên cứu và làm thành công cốm chống ọc sữa cho trẻ em. Chính đề tài này đã nuôi sống những đề tài lớn sau đó mà tôi theo đuổi.
Ngay cả sơn Nano cũng vậy, tôi đã bỏ ra cả triệu USD để nghiên cứu, nhưng chỉ vài năm nữa thôi là thu hồi vốn. Tại Hội nghị 20 năm khoa học toàn quốc, khi tôi phát biểu: “Một trong những nguyên nhân làm đất nước nghèo đói có vai trò của các nhà khoa học”, nhiều người nói tôi bôi nhọ người làm khoa học.
Tôi nói thẳng: “Nếu gọi là bôi nhọ thì tôi bôi nhọ chính tôi rồi. Có nhiều đề tài chi phí hàng tỷ đồng của đất nước, đi vòng quanh thế giới để tìm hiểu, khi về kết luận là không làm được, trong khi tiền thì tiêu rồi. Tại sao anh không thăm dò trước đi rồi hãy nhận tiền của Nhà nước. Nếu có nhận thì nhận một chút thôi, chứ sao lại nhận đầy đủ rồi về nói là làm không được. Mà làm không có hiệu quả, không theo nhu cầu của xã hội thì làm làm gì?”.
* Trong hơn 30 năm theo đuổi khoa học và kinh doanh, điều nổi bật ở con người bà là sự kiên trì, đôi khi liều lĩnh. Vậy bà tổng kết lại được bao nhiêu cái “liều” lớn nhất?
- Tôi có mấy cái liều lớn: dám đi sang Mỹ trong lúc cấm vận mà trong túi không đủ tiền; đi nói chuyện chiến tranh Việt Nam ở khu người da đen bên Mỹ; dám đưa sơn sang thị trường Singapore. Và tôi đều thành công với những cái liều đó.
Nhưng tôi vẫn khuyên sinh viên của mình đừng học tôi ở cái liều hy sinh hạnh phúc gia đình. Và một cái liều nữa mà tôi luôn muốn giấu là lấy chồng quá sớm, thật ra là tảo hôn, có ba đứa con rồi mới bước chân vào trường đại học.
* Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)