Thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo, các thành viên Chính phủ đã thống nhất từ nay sẽ không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các NH yếu kém với giá 0 đồng.
Nhiều giải pháp xử lý
Theo đó, các NH yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.
Trong dự thảo của NHNN cũng nêu quy định về phát hiện và xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt và đưa ra các phương án xử lý, bao gồm phục hồi; xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, như vậy có nghĩa là để xử lý TCTD yếu kém, NHNN vẫn áp dụng 4 hình thức khác nhau là phục hồi, cho mua bán sáp nhập, đưa vào kiểm soát đặc biệt, sau đó chỉ định giao cho TCTD thay cho NHNN mua lại 0 đồng như thời gian qua. “Tóm lại là sẽ rút ngắn quy trình xử lý, trước đây NHNN tiếp quản và mua lại 0 đồng thì nay thay vì quá độ như vậy, sẽ tìm kiếm một NH khác để giao tiếp quản” - ông Lực nói.
Ưu điểm của giải pháp này là rút ngắn thời gian xử lý TCTD yếu kém nhưng khó khăn là NHNN phải sớm xác định TCTD đủ năng lực để giao việc tiếp nhận. Đồng thời, phải thực hiện hết sức khẩn trương việc thẩm định, đánh giá giá trị còn lại của TCTD yếu kém đó. Khi tất cả phương án trên không khả thi mới tính đến giải pháp phá sản.
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho biết việc mua NH giá 0 đồng vừa qua là học kinh nghiệm của nước ngoài nhưng áp dụng tại Việt Nam còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Mua lại NH yếu kém với giá 0 đồng là biện pháp trước khi giải thể, nếu bỏ qua biện pháp này có nghĩa là sẽ thực hiện cho phá sản NH yếu kém, tránh được những rủi ro tiếp theo.
Nâng vai trò của bảo hiểm tiền gửi
Một trong những nội dung rất quan trọng khi đặt vấn đề cho phá sản NH là bảo đảm quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền.
TS Cấn Văn Lực cho rằng phá sản NH có rất nhiều tác động hệ lụy đến kinh tế - xã hội nên phải tính toán cẩn trọng, đặc biệt là hiệu ứng domino. Do đó, cho phá sản NH vẫn phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các bên có liên quan. Có 3 vấn đề cần lưu ý. Một là để cho phá sản NH, về lâu dài NHNN phải tăng cường hơn nữa vai trò của bảo hiểm tiền gửi. Mức bồi thường hiện đang là 50 triệu đồng, dự định tăng lên 75 triệu đồng như dự thảo là quá thấp, cần phải tăng ít nhất lên 150 triệu đồng để không quá thiệt thòi cho người gửi tiền, đồng thời tăng niềm tin cho người gửi tiền. Về lâu dài, NHNN cần có đánh giá xếp hạng các NH theo mức độ rủi ro khác nhau để người dân có thông tin lựa chọn gửi tiền vào NH uy tín. Phải có mức thu phí khác nhau theo mức độ rủi ro của NH, căn cứ vào bảng xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế, không thu một mức cào bằng như hiện nay.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng hiện đã có đủ căn cứ pháp luật và thực tiễn để cho phá sản NH. Cụ thể là Luật Phá sản 2004 và 2014 đều dành 1 chương nói về phá sản NH với những quy định rất rõ. Trước đây, đã có những NH như Châu Á Thái Bình Dương, Việt Hoa được xử lý, sau đó biến mất khỏi thị trường mà thực chất là phá sản. Gần đây, NHNN đã lần lượt mua lại bắt buộc 3 NH thương mại (NH Xây dựng, NH Đại Dương và NH Dầu khí Toàn cầu) với giá 0 đồng, sau khi không thể triển khai các biện pháp phục hồi. Thực chất đó cũng là một giải pháp “phá sản không gây sốc” bởi nhà nước đã có khả năng tài chính và kinh nghiệm kiểm soát. Tiền gửi của người dân được bảo đảm bằng các nguồn bảo hiểm tiền gửi, từ NHNN, thanh lý tài sản NH phá sản, đòi nợ, xử lý tài sản bảo đảm. Thậm chí NHNN còn có cơ chế NH thương mại cho vay đặc biệt để ưu tiên thanh toán cho mọi trường hợp từ NH bị phá sản.
Khi đã xác định chủ trương cho phá sản NH yếu kém, thị trường tiền tệ sẽ có cạnh tranh, NH xấu - tốt sẽ bộc lộ rõ hơn, thay vì người gửi tiền chỉ trông vào lãi suất để “chọn mặt gửi tiền”. Người dân và nhà đầu tư sẽ ý thức được vấn đề lãi suất cao đi liền với rủi ro.
Bình luận (0)