Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo EVN cho biết cả nước đang có khoảng 45.000 trạm MW (biến áp trung thế), dự báo đến năm 2030 cần có khoảng 130.000 trạm. Hiện có 2 nguồn điện chính là thủy điện và nhiệt điện, trong đó thủy điện chỉ có thể đáp ứng được hơn 30% nhu cầu và cơ bản đã khai thác hết. Do vậy, nhu cầu nhiệt điện mà chủ yếu là nhiệt điện chạy than là rất lớn để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế.
Đại diện TKV và EVN ký kết các hợp đồng cung ứng than dài hạn cho sản xuất điện Ảnh: ĐOÀN BẮC
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nguy cơ thiếu điện là rất cao trong thời gian tới nếu không quyết liệt tập trung phát triển nguồn điện, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện, bảo đảm đầu vào cho sản xuất điện (nước, than, dầu, khí). Trong ngắn hạn và trung hạn, chưa có nguồn điện nào có thể thay thế hiệu quả cho nhiệt điện than. Do vậy, phải phát triển nhiệt điện nhưng với các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. "Nếu không giải quyết tốt được việc cung ứng than thì tình trạng thiếu điện sẽ diễn ra ngay trong những năm tiếp theo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bằng mọi giá phải đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống của người dân" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng ngày, TKV và EVN ký kết các hợp đồng cung ứng than dài hạn cho sản xuất điện. Đánh giá cao việc ký kết này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than; xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu sử dụng than các loại, bảo đảm đáp ứng nhiên liệu cho các cơ sở sản xuất, nhất là đối với các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, EVN nghiên cứu các giải pháp sử dụng than trộn cho sản xuất điện, trên cơ sở tính toán phối trộn than trong nước và nhập khẩu, bảo đảm chất lượng nhiên liệu, các yếu tố về môi trường để khắc phục việc thiếu than Antraxite của các nhà máy điện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TKV, Tổng Công ty Đông Bắc cùng EVN và các hộ tiêu thụ than khác khẩn trương thỏa thuận ký hợp đồng mua bán than năm 2019 và kế hoạch mua bán than dài hạn, trung hạn để đáp ứng đủ than cho sản xuất.
Về giá bán than sản xuất trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ động làm việc và hướng dẫn các đơn vị sản xuất than xác định giá than theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm sản xuất - kinh doanh than có hiệu quả. Đối với than nhập khẩu, các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than phải chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định.
Theo EVN, dự kiến nhu cầu điện trong tháng 12-2018 là 18,89 tỉ KWh. Trong đó, hệ thống phải huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện than với tổng sản lượng là 10,478 tỉ KWh, cao hơn so với kế hoạch 519 triệu KWh. Dự kiến, tổng sản lượng điện của hệ thống năm 2019 là 232,5 tỉ KWh, trong đó, các nhà máy nhiệt điện than là 116,23 tỉ KWh (chiếm 50%), cao hơn năm 2018 khoảng 26 tỉ KWh, tương đương với 13 triệu tấn than. EVN, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã chủ động phối hợp để cung ứng than cho sản xuất điện. Đến thời điểm hiện tại, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã cung cấp được tổng cộng 20,46 triệu tấn, bằng 89% khối lượng theo hợp đồng.
Bình luận (0)