Mâu thuẫn không dễ giải quyết với ngành điện hiện nay là chúng ta muốn mở cửa "đón" tư nhân vào sản xuất với giá thành cạnh tranh nhưng giá điện lại được đánh giá là chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong khi đó, người dân đa phần không "chịu nổi" tăng giá điện.
Đẩy mạnh cổ phần hóa
Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết Luật Điện lực quy định truyền tải điện là khâu phải giữ độc quyền nhà nước và nhiều nước cũng áp dụng quy định này vì đây là khâu quan trọng, liên quan đến an ninh năng lượng.
Còn ở những khâu khác, ông Long nhìn nhận đã có sự tham gia của tư nhân. Chẳng hạn như tư nhân ký hợp đồng mua điện để phân phối cho KCN, xí nghiệp, nhà máy, chung cư… "Không cần ép buộc, nếu thấy có lợi thì tư nhân sẽ tham gia. Trong Tập đoàn Điện lực (EVN) đã có một số đơn vị cổ phần hóa. Tiến trình cổ phần hóa là chủ trương lớn của nhà nước. Thấy chỗ nào cổ phần hóa được thì có thể thúc đẩy làm" - ông Long kết luận.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi giá điện tăng Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy đồng tình cổ phần hóa không chỉ là xu thế, là yêu cầu đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước, TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) còn cho rằng không thể chỉ trông chờ vào cổ phần hóa để tạo ra thị trường cạnh tranh. "Có thể thông qua con đường cho tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực phát điện, xây dựng nhà máy điện… để tạo ra môi trường cạnh tranh, giảm giá thành" - ông Độ nêu ý kiến.
TS Độ cũng cho hay liên quan đến việc tái cơ cấu ngành điện, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu các DN EVN giai đoạn 2017-2020 với hướng tự do hóa ngành điện. Như thế, khâu phát điện và phân phối điện sẽ có động lực để cải thiện về cách thức quản trị, tiết giảm nhân lực, đưa tư nhân tham gia hệ thống. "Khi đó, nhà nước chỉ còn độc quyền sử dụng, vận hành. Tuy nhiên, công tác giám sát cũng không đơn giản và cần đánh giá kỹ, thận trọng khi thực hiện" - ông Độ lưu ý.
Tuy thế, vị chuyên gia từ Học viện Tài chính vẫn cho rằng cần thẳng thắn đặt vấn đề là trong ngành điện tuy không "nhất quyết" cho cạnh tranh ở những khâu nhạy cảm hoặc khâu tư nhân chưa thể làm được nhưng khâu nào cạnh tranh được thì nên cho cạnh tranh. Chỉ như thế, giá điện mới phản ánh đúng bản chất.
Một vấn đề khác được ông Độ đặt ra là theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), giá điện của Việt Nam chưa hấp dẫn. Do đó, nếu mở cửa cho tư nhân vào thì họ cũng không "mặn mà", đặc biệt là DN nước ngoài. Do vậy, việc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người tiêu dùng là không hề đơn giản.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long đánh giá hiện tỉ lệ tổn thất điện năng của ngành điện còn lớn, số lao động trong ngành này lên tới khoảng 100.000 người. "Vậy phải chăng, giá thành cao là do năng suất lao động thấp? Chính vì vậy, không cải tiến sẽ thiệt hại cho người tiêu dùng" - ông Long nêu vấn đề.
Ông Long chỉ ra rằng giá thành của điện là 1.665 đồng/KWh, trong khi giá bán là 1.622 đồng/KWh, nghĩa là ngành điện đang lỗ. Tuy nhiên, ngành điện phải xem xét giá thành đã hợp lý chưa, có thừa lao động?
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận vấn đề hiện nay là cấp bách giảm tổn thất điện năng hoặc DN phải chủ động rà soát lại khâu quản trị. Tất cả những yếu tố này, nếu được cải thiện thì chắc chắn sẽ có giá điện tối ưu.
Ảnh hưởng mọi mặt
Tại buổi họp báo về giá điện do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1-12, trả lời cho câu hỏi giá điện tăng 6,08% có thu hút được đầu tư nước ngoài không, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho rằng một trong những cơ chế thu hút đầu tư là điều hành giá điện phải căn cứ theo những thông số yếu tố đầu vào, như tỉ giá, chi phí bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện… "Khi điều chỉnh cơ chế phù hợp, đưa giá điện về với thị trường, tôi tin sẽ thu hút đầu tư vào ngành điện. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tích cực để có thị trường bán buôn cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư trong ngành điện" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận tăng giá điện sẽ khiến chi phí của hộ kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%. Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể. Cụ thể, với hộ dùng 50 KWh/tháng tăng 3.200 đồng. Hộ dùng 50 đến 100 KWh mức tăng thêm là 6.600 đồng. Hộ dùng từ 200 KWh/tháng phải trả thêm 13.800 đồng. Với hộ dùng 300 KWh/tháng thì mức tăng thêm là 23.600 đồng. Cuối cùng, hộ dùng từ 400 KWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm là 34.800 đồng. Việc tăng giá điện cũng được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đến chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp với mức 4,97%.
Liên quan đến các chỉ số vĩ mô, ông Tuấn cho biết theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện làm tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm 2017 ở mức 0,08% và tăng chỉ số sản xuất năm 2017 là 0,07%.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, thông tin thêm là EVN đang quản lý 94% việc bán điện trực tiếp cho người dân, tương ứng với 23,5 triệu hộ. Trong số này, có đến 78% số hộ sử dụng điện ở mức trung bình và thấp (dưới 200 KWh/tháng). Số hộ dùng điện ở mức thang lũy tiến chịu giá điện cao ít hơn. Nếu xét đến tác động vĩ mô nói chung trong năm 2018 thì việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến CPI là 0,1% và tác động đến GDP 0,166%.
Doanh nghiệp tìm cách ứng phó
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, cho biết đối với ngành gỗ, chi phí điện chiếm khá cao trong giá thành sản phẩm. Chẳng hạn, dù đã chuyển đổi công nghệ hiện đại, tiêu hao điện giảm đáng kể nhưng cũng chiếm đến 20%-30% chi phí sản xuất đồ gỗ. Trong khi những nhà máy còn sử dụng công nghệ lạc hậu, mức tiêu hao điện lớn hơn gấp đôi. Khi giá điện tăng, các nhà cung ứng nguyên phụ kiện cũng đòi tăng giá theo. Do đó giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành, trong khi ngành gỗ lại đang phải cạnh tranh quyết liệt nên không thể nào tăng giá bán. Khách hàng năm nào cũng đòi giảm giá, nếu không giảm họ tìm DN khác có giá tốt hơn. Để giải bài toán giá điện cùng nhiều chi phí khác tăng, DN phải đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, tiêu tốn năng lượng ít. Ngoài ra, DN còn phải hợp tác với các đơn vị trong ngành, phân công nhau trong đầu tư để cùng khai thác tối đa dây chuyền sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Nhà máy Xi măng Bình Phước, cho rằng chi phí điện chiếm từ 10%-12% giá thành xi-măng. Giá điện tăng kéo theo giá than tăng, trong khi nhiên liệu than chiếm 20%-25% trong giá thành xi-măng. Khi giá điện, than tăng cao, ngành xi-măng có thể tìm phương án thay thế nguồn năng lượng khác từ rác thải, dăm bào, vỏ xe… nhưng phải tốn chi phí đầu tư thiết bị. Vấn đề nữa là ngành điện tăng giá nhưng không thông báo sớm để DN có đủ thời gian ứng phó.
N.HẢI
Bình luận (0)