Đại hội cổ đông của Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu (ACB) dự kiến diễn ra vào ngày 10-4. Tuy nhiên, trong những ngày qua, giới cổ đông của NH này băn khoăn trước việc ACB đưa ra quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu chứ không phải tiền mặt.
Theo quyết định của ACB, tỉ lệ chia cổ tức năm 2016 là 10%, bằng cổ phiếu. ACB phát hành thêm 986 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận cổ tức 1 cổ phiếu mới.
Trước băn khoăn của cổ đông, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Trưởng Ban Kiểm soát ACB, cho biết tỉ lệ chia cổ tức trên phải căn cứ vào sự chấp thuận của NHNN. Còn về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chứ không phải tiền mặt, ông Hiệp giải thích trong tổng lợi nhuận của năm 2016, ACB đã thống nhất sử dụng 986 tỉ đồng để phát hành cổ phiếu mới nhằm chi trả cổ tức, đồng thời tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN. Cụ thể, ACB tăng vốn điều lệ từ 10.273 tỉ đồng lên 11.259 tỉ đồng.
Nhiều cổ đông của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng băn khoăn NH này sẽ chia cổ tức năm 2016 bằng tiền hay cổ phiếu bởi ngày 28-4 tới đây, Vietcombank sẽ tổ chức đại hội cổ đông để quyết định vấn đề này. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết Vietcombank dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu với tỉ lệ 8%. Trả lời câu hỏi vì sao chọn 2 hình thức chia cổ tức, ông Thành giải thích: Phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu phải được Bộ Tài chính chấp thuận mới được thực hiện bởi với phương thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ đông nhà nước tại Vietcombank không nộp cổ tức vào ngân sách. Do đó, nếu tại đại hội cổ đông sắp tới, Vietcombank chỉ trình cổ đông thông qua phương án này mà không được Bộ Tài chính chấp thuận thì buộc phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường để quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt. Vì thế, Vietcombank phải trình cổ đông thông qua 2 phương án chi trả cổ tức.
Đại hội cổ đông NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank) ấn định vào ngày 21-4. Ông Võ Văn Châu, thành viên HĐQT Kienlongbank, thông tin đến thời điểm này, NH vẫn đang bàn thảo mức chia cổ tức năm 2016, còn theo tỉ lệ nào thì phải chờ ý kiến chấp thuận của NHNN. Nhiều NH khác cũng đưa ra con số dự kiến chia cổ tức khoảng 5%-6% nhưng chưa nói rõ phương án chi trả.
Một số chuyên gia tài chính nhận định NH nào chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có điều kiện tăng thêm vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh hiệu quả và đóng thuế nhiều hơn, góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước. Riêng các NH có vốn nhà nước chiếm tỉ lệ lớn (Vietcombank, BIDV, VietinBank...), nếu chia cổ tức bằng tiền mặt thì cổ đông nhà nước phải đưa số tiền này vào ngân sách. Trường hợp các NH này muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu thì phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính.
Theo giới phân tích, việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, cái nào có lợi hơn cho cổ đông còn phụ thuộc vào diễn biến giá cổ phiếu của NH đó. Chẳng hạn, cuối tháng 4-2017, NH A chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu. Nếu từ thời điểm này trở đi, cổ phiếu của NH A liên tục tăng giá thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có lợi hơn cho cổ đông.
Giảm nợ xấu, cổ tức sẽ tăng
Hiện nay, do tỉ lệ nợ xấu còn cao nên nhiều NH phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Phương án này thường được cổ đông ủng hộ dù mức chia cổ tức thấp bởi khi trích lập dự phòng, NH sẽ bán các tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu. Khi đó, số tiền bán tài sản sẽ trở thành thu nhập bất thường và được bổ sung vào lợi nhuận của NH. Từ đó, mức chia cổ tức tăng lên vì số tiền để chi trả cổ tức được trích từ lợi nhuận.
Bình luận (0)