Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đắk Lắk, tỉnh này hiện có khoảng 120 ha mắc ca thuần, chưa thống kê được diện tích cây mắc ca trồng xen. Dù không còn sốt như thời điểm cuối năm 2015 nhưng hiện nay, người dân vẫn mua giống mắc ca về trồng thay thế cà phê, cao su hoặc trồng xen trong vườn cây công nghiệp.
Ông Lê Rế - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk - cho hay huyện có 24 ha mắc ca trồng thuần và trên 27.000 trồng xen canh với các loại cây công nghiệp khác. Mặc dù Krông Năng là huyện trọng điểm, được xem là phù hợp nhất tỉnh về quy hoạch cây mắc ca nhưng trong vài năm gần đây, khí hậu không cho phép. Nền nhiệt liên tục tăng cao rơi vào thời điểm ra hoa của cây mắc ca nên tỉ lệ đậu trái rất thấp.
Tính trung bình, hiện một cây mắc ca chỉ cho khoảng 7 kg hạt, thấp hơn rất nhiều so với thông tin một số nhà khoa học đưa ra. Bên cạnh đó, đầu ra của cây mắc ca vẫn còn mù mịt, người dân chủ yếu lấy hạt để ươm giống bán hoặc bán cho các đoàn tham quan, chưa có đại lý nào thu mua tại địa phương.
“Chúng tôi liên tục khuyến cáo người dân không nên phá bỏ các loại cây khác để trồng mắc ca mà trồng xen canh để nếu cây này không hiệu quả thì không ảnh hưởng nhiều” - ông Rế khẳng định.
Tại xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, rất nhiều hộ dân đã trồng hàng chục hecta mắc ca ngoài quy hoạch. Bà Trần Thu Hải (ngụ xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) cho biết thấy người dân ồ ạt trồng mắc ca, gia đình bà cũng vay tiền rồi phá bỏ 3 ha cao su để trồng cây nay hơn 1 năm nay. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng, cây mắc ca phát triển rất chậm khiến gia đình hết sức lo lắng.
Cũng ở xã Phú Lộc, anh Nguyễn Văn Thanh đang chặt bỏ 2 ha cây cao su để chuẩn bị trồng mắc ca. Anh giải thích: “Giá cao su quá thấp, thấy người ta đua nhau trồng mắc ca nên gia đình tôi cũng làm đất, chuẩn bị giống, đến khi có mưa sẽ trồng toàn bộ diện tích này”.
Theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, nhìn chung, khí hậu ở tỉnh không phù hợp với cây mắc ca. Nhiệt độ thích hợp cho cây mắc ca sinh trưởng, phát triển là 18-24 độ C nhưng ở Đắk Lắk, nhiệt độ rất cao, chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn. Bên cạnh đó, cây mắc ca ra hoa thường vào mùa gió - nắng, ảnh hưởng đến quá trình đậu trái.
Trong khi đó, tại Đắk Nông, theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT, tỉnh đã quy hoạch diện tích trồng cây mắc ca ở huyện Tuy Đức hơn 12.000 ha. Hiện sở chưa nhận được đề án quy hoạch cây mắc ca của bộ nên chưa điều chỉnh.
Ở Gia Lai, hàng trăm hộ dân cũng trồng tự phát hoặc trồng thực nghiệm cây mắc ca. Từ năm 2006, nghe người ta nói về tiềm năng và giá trị của mắc ca, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) đã gom hết vốn liếng lặn lội sang tận tỉnh Đắk Lắk mua 300 cây về trồng xen trong 2 ha cà phê. Sau 10 năm trồng, số lượng cây sinh trưởng không đều, có cây ra quả, có cây không. Mỗi năm, ông thu chỉ được khoảng 150 kg hạt. Tuy có sản phẩm nhưng ông không biết bán ở đâu.
“Gia đình tôi đành để lại ăn, ăn chán thì cho hàng xóm” - ông Sơn bộc bạch. Sau thời gian, một số cây bị đổ, số khác không có trái nên ông Sơn chặt bỏ. Hiện vườn mắc ca 300 cây chỉ còn 50 cây.
Dù vậy, bà Đinh H’Luyến, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Pah, vẫn kỳ vọng về đầu ra của “cây tỉ đô”. “Người dân trồng mắc ca đang rất băn khoăn về đầu ra của sản phẩm. Hiện chưa có doanh nghiệp vì số lượng còn ít. Có thể thời gian tới, chúng tôi sẽ làm cầu nối liên hệ với một số đại lý tỉnh khác tiêu thụ cho người dân” - bà cho biết.
Theo TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, từ năm 2012, viện đã bắt đầu trồng thử nghiệm nhiều loại giống mắc ca trên 10 ha tại TP Buôn Ma Thuột và một số diện tích khác ở các huyện trong tỉnh Đắk Lắk nhưng hiệu quả rất thấp. Hơn 10 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm cho thấy mắc ca là loại cây khó tính. Dù chọn được loại giống tốt, trồng ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp nhưng chưa chắc đã thành công vì loại cây này dễ mẫn cảm với các điều kiện sinh thái thay đổi.
“Người dân không nên vội chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng mắc ca mà nên trồng xen canh để có thêm thu nhập” - TS Trần Vinh khuyến cáo.
Bình luận (0)