Công nhân EVN sửa chữa đường dây 500 KV. Ảnh: Hà Thái
Mua thấp, bán cao
Theo “luật chơi” mới của thị trường, các doanh nghiệp (DN) sản xuất điện đứng ra chào giá cạnh tranh lẫn nhau để bên mua là Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định mua điện của DN theo thứ tự giá chào từ thấp đến cao. Giá sàn của thủy điện được quy định là 0 đồng/KWh, nhiệt điện là 1 đồng/KWh. Do đang là mùa mưa, giá phát thủy điện xuống thấp nên EVN có nhiều cơ hội mua rẻ.
Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), giá mua điện trung bình trong tháng 7 của EVN là 331,6 đồng/KWh. Do giá chào của các nhà máy phát điện biến động lớn trong 24 giờ mỗi ngày nên trong cùng một ngày, có những thời điểm EVN mua vào giá hơn 900 đồng/KWh nhưng có lúc mua với giá chỉ trên 300 đồng/KWh. Như vậy, sau khi đã trừ các chi phí, EVN có lãi gần 400 đồng/KWh khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Chỉ tính riêng tuần đầu tiên mua bán điện theo cơ chế thị trường ở cấp độ bán buôn, tổng số tiền mua điện EVN phải trả đã thấp hơn khoảng 8,2 tỉ đồng so với phương thức thanh toán theo giá hợp đồng.
Về phía các DN phát điện, nhiều nhà máy phải chào giá sàn mới có cơ hội bán được hàng. Trong mùa mưa, lợi thế thuộc về các DN thủy điện nhưng vẫn có nhiều nhà máy chào giá 0 đồng/KWh
vì tại các thời điểm nước trong hồ chứa lên cao, buộc phải xả nước qua tua bin để bảo đảm an toàn. Theo ông Nguyễn Đức Đạt, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, như vậy thì DN có sản lượng nhưng không có doanh thu.
Về phía các nhà máy nhiệt điện có giá không cạnh tranh bằng thủy điện nhưng phần lớn vẫn phải chào giá dải công suất đầu tiên chỉ 1đồng/KWh để có khả năng “khớp lệnh”. Một số nhà máy nhiệt điện kêu lỗ đến cả tỉ đồng mỗi ngày vì phải giảm sản lượng phát điện, phụ tải lại không ổn định. Có tổ máy phải ngừng vận hành trong thời điểm không được EVN huy động, đến khi vào danh sách bán phải khởi động lại lò hơi cũng mất chi phí 2 tỉ đồng.
Chưa tuân thủ cơ chế thị trường
Điều khiến nhiều chuyên gia băn khoăn khi vận hành hệ thống điện cạnh tranh là các giao dịch mua bán không được công khai trên toàn hệ thống. Trên website www.nldc.evn.vn của A0 - đơn vị đảm nhận chức năng vận hành thị trường điện - cũng như website của các nhà máy điện đều không công bố thông tin về quá trình “khớp lệnh” giữa bên mua và bên bán.
Bên cạnh đó, Công ty Mua bán điện thực hiện thanh toán cho bên bán theo 2 phần. Trong đó, 95% sản lượng điện phát được thanh toán theo giá hợp đồng và chỉ 5% theo giá thị trường. Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng quy định này có thể dẫn đến hiện tượng DN phát điện cố ý hạ thấp giá chào để lọt vào danh sách được mua, sau đó 95% sản lượng vẫn được thanh toán theo giá hợp đồng đã ký trước đó. Ngoài ra, đơn vị đảm nhận chức năng vận hành thị trường điện và bên mua đều trực thuộc EVN dễ dẫn đến tình trạng ưu ái cho bên bán là “người nhà”. Trong thực tế, việc quy định điều kiện tham gia phát điện cạnh tranh đối với nhà máy thủy điện là phải có công suất từ 30 MW trở lên cũng đã mang tính “người nhà”. Vì trong thực tế, phần lớn các nhà máy có công suất ở mức này đều thuộc EVN, DN vừa và nhỏ chỉ đầu tư thủy điện có công suất khoảng 10 MW, bị loại khỏi thị trường.
Việc đánh giá chi phí, lợi nhuận của EVN không thể xác định được sau hơn một tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Do đó, chưa đủ cơ sở để nói rằng đã hình thành đủ điều kiện giảm giá. Tuy nhiên, việc tăng giá ngay thời điểm chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, một lần nữa cho thấy EVN vẫn hành xử theo cách kinh doanh độc quyền. Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư |
Bình luận (0)