Ngày 8-1, ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Đội Kiểm soát Phòng chống ma túy - Cục Hải quan TP HCM, cho biết đang điều tra, xử lý một số vụ vận chuyển ma tuý rất tinh vi.
Theo ông Nam, tình hình vận chuyển, buôn lậu ma túy trên địa bàn do Cục Hải quan TP HCM quản lý vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Các tuyến trọng điểm và mức độ hoạt động của các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy xảy ra với tính chất tinh vi và nguy hiểm hơn.
Trong năm 2022, đã phát hiện trên 3.100 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trị giá tang vật trên 3.300 tỉ đồng.
Ngoài ra, 83 vụ vận chuyển ma túy bị phát hiện, tăng 31,7% so cùng kỳ. Tang vật thu được là hơn 213,71 kg ma túy và tiền chất các loại, phạt tăng thu ngân sách nhà nước 50 tỉ đồng.
Nhiều vụ vận chuyển ma túy từ nước ngoài đã bị xử lý
Đường đi của ma túy vẫn chủ yếu đi từ "tam giác vàng" qua Campuchia, Lào thẩm lậu qua các tỉnh giáp biên rồi đưa về TP HCM tiêu thụ, cất giấu tại các kho ở các quận, huyện ngoại thành, sau đó ngụy trang trong các loại hàng hóa và sử dụng các công ty do các đối tượng thành lập xuất đi Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Úc, Hồng Kông, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trong khi đó, ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) nhập khẩu từ các nước châu Âu qua dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu điện quốc tế và cần sa nhập khẩu từ Mỹ, Canada theo đường hàng không vẫn tiếp diễn và ngày càng phức tạp, ma túy xuất trái phép qua Úc đang có chiều hướng gia tăng.
Đặc biệt, đơn vị này vừa phát hiện loại ma túy mới là hợp chất MTTH dạng bột pha trộn giữa Methamphetamine, MDMA, Nimetazepam, đóng thành gói nước nho (Crispy Fruit), trọng lượng 7g/gói, giấu giữa các lọ kem dưỡng da để xuất ra nước ngoài. Đồng thời, cũng phát hiện tuyến vận chuyển ma túy mới là cần sa xuất đi Nhật Bản và ma túy đá nhập khẩu từ Mỹ với số lượng lớn.
Theo ông Huỳnh Nam, các đường dây, tổ chức vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đa phần hoạt động với quy mô, địa bàn rộng, liên tỉnh hoặc xuyên quốc gia. Họ tổ chức hoạt động chặt chẽ, phân công cụ thể giữa các đối tượng, số chủ mưu cầm đầu ít khi trực tiếp "lộ diện".
Đặc biệt, hầu hết các đối tượng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram... để thực hiện hành vi phạm tội, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra xử lý của các lực lượng chức năng.
Một vụ vận chuyển trái phép ma túy bị phát hiện năm 2022
Chưa kể, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến cảng biển, tuyến hàng không để vận chuyên trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để sử dụng trong nước, phần lớn để trung chuyển sang nước thứ ba. Họ lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh… để vận chuyển ma túy, sử dụng địa chỉ giả gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân phi mậu dịch để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.
"Gần đây, xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới nhưng chưa được cấp phát thuốc thử theo chủng loại mới phục vụ cho công tác huấn luyện chó nghiệp vụ. Mẫu vật dùng tập luyện chó nghiệp vụ chưa sát với thực tế nên hiệu quả tác nghiệp của chó nghiệp vụ chưa cao. Thuốc thử nhanh ma túy hết hạn sử dụng nhưng chưa được trang cấp kịp thời…" - ông Nam chia sẻ.
Bình luận (0)