Hội nghị phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp (DN) kiều bào vì sự phát triển của TP HCM - Nâng tầm sản phẩm Việt do Ủy ban Nhà nước về người nước ngoài tại TP HCM tổ chức đã diễn ra vào sáng 27-10.
Những đóng góp không thể đo đếm
Tham dự hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, bày tỏ trong những ngày toàn thế giới bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam đã mở rộng vòng tay đón đồng bào trở về tránh dịch, chữa trị trong điều kiện tốt nhất có thể. Ngược lại, mỗi kiều bào xa quê bằng những hành động thiết thực nhất cũng chung tay ủng hộ về tiền, hiện vật để cùng với Đảng, nhà nước, cùng với TP HCM có thêm nguồn lực chiến thắng đại dịch.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, trước rất nhiều khó khăn thách thức, kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cộng đồng doanh nhân, DN kiều bào ta vẫn là sợi dây kết nối giao thương, thắt chặt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch… tạo nguồn kiều hối phong phú cho Tổ quốc, góp thêm một phần nguồn lực cùng Đảng, nhà nước, cùng TP phát triển kinh tế và đầu tư. Như về kiều hối, 9 tháng đầu năm, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP HCM thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019, đạt khoảng 4 tỉ USD. Dự ước, năm 2020, kiều hối chuyển về TP đạt khoảng 5,5 tỉ USD, chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ 2019.
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), đánh giá lực lượng doanh nhân kiều bào đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam rất hiệu quả với khoảng 3.000 dự án với tổng vốn 4 tỉ USD, tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. "Những đóng góp của bà con không thể đo đếm được, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực tận dụng những cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4" - ông Nghị nói.
Hiện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục vận động các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tích cực chuyển giao khoa học - công nghệ về nước để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho DN và nền kinh tế Việt Nam.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, trao đổi với các doanh nhân kiều bào tại hội nghị
Cầu nối cho hàng Việt
Cũng theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp xúc tiến quảng bá hàng hóa, thương hiệu Việt Nam. 1/5 kiều bào đang sinh sống tại các nước châu Âu, nhiều người trong đó là doanh nhân, trí thức… đã tham gia tiêu thụ sản phẩm, phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam tại nước ngoài giai đoạn 2019-2024.
"Ở trời Tây, có những trung tâm thương mại mang tên gọi rất thân thương như trung tâm thương mại Sapa ở Cộng hòa Czech, Đồng Xuân ở Đức, Bến Thành ở Úc… Đến nay, cộng đồng trí thức ở châu Âu đã rất tích cực giới thiệu, hỗ trợ DN trong nước xây dựng thị trường ở nước ngoài… Gần đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng được thế mạnh này các DN Việt phải nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, pháp luật của thị trường nhập khẩu… Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động kiều bào dùng hàng Việt Nam trên tinh thần ưu tiên sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu thị trường" - ông Nghị nói thêm.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm ăn ở Đức, ông Nguyễn Công Chính - Việt kiều Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Người Việt ở nước ngoài (BAOOV), Tổng Giám đốc Sado Group - đánh giá EVFTA kéo thuế suất nhiều dòng hàng về 0% nhưng lại gia tăng hàng rào kỹ thuật lên hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nhà xuất khẩu Việt Nam đầu tư cho thị trường này phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. "Đây là thị trường tự do nên mọi giao dịch, tranh chấp thương mại luôn được giải quyết theo pháp luật; quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu cũng theo quy định chung. Đặc biệt, thị trường Đức nói riêng và châu Âu nói chung rất quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên vật liệu… để tránh gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" - ông Chính lưu ý.
Kiều bào hiến kế phát triển kinh tế
Tại hội nghị, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin thêm về "Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam" dự kiến tổ chức tại TP HCM từ ngày 29 đến 31-10. Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP tổ chức. Dự kiến sẽ có 450 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ Ngoại giao; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM; đại diện một số bộ, ngành trung ương cùng lãnh đạo các tỉnh phía Nam; các chuyên gia, trí thức kiều bào và DN người Việt Nam ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Bình luận (0)