Cục Bảo vệ thực vật đã hợp tác cùng các doanh nghiệp (DN) lớn như Lộc Trời, Con Cò Vàng Hi-Tech, Quế Lâm, Phúc Thịnh, GNC, Hiệp Thanh, Green Powers… phát triển phân bón hữu cơ.
Đã có hơn 2.000 sản phẩm
Là DN lớn trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời tham gia thị trường phân bón hữu cơ từ năm 2009 với chỉ một sản phẩm, đến nay đã phát triển lên 8 sản phẩm với sản lượng cung ứng ra thị trường là 2 triệu lít và 10.000 tấn phân bón hữu cơ mỗi năm. Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời ký thỏa thuận hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển phân bón hữu cơ với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ mặt hàng này. Với lợi thế vùng nguyên liệu rộng lớn liên kết với nông dân, Tập đoàn Lộc Trời tiên phong gia tăng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trên chính vùng canh tác này.
Theo các DN sản xuất phân bón, xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng. Nông dân đã trải nghiệm hiệu quả nuôi dưỡng, cải thiện đất và cây trồng của phân bón hữu cơ nên ngày càng tin dùng hơn. Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, nhận định thị trường phân bón hữu cơ trở nên hấp dẫn hơn, các nhãn hiệu phân bón nhập khẩu từ Nhật, châu Âu, Trung Quốc và cả các nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia, Lào tràn vào mỗi lúc một nhiều với đủ mức giá từ bình dân đến cao cấp. Riêng sản phẩm phân bón hữu cơ nhãn hiệu Đầu Trâu đã tham gia thị trường 3-4 năm nay với sản lượng gần 20.000 tấn/năm.
Ông Tâm cho biết hiện chỉ có 2 công ty con là Bình Điền - Mekong và Bình Điền Lâm Đồng sản xuất phân hữu cơ nên sản lượng còn rất khiêm tốn. Công ty Bình Điền Quảng Trị đã xin được giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và sẽ đi vào sản xuất trong nay mai. Sắp tới, công ty mẹ và Công ty Bình Điền Ninh Bình cũng sẽ sản xuất phân bón hữu cơ thì sản lượng sẽ tăng lên.
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy vào tháng 12-2017, cả nước mới chỉ có 713 sản phẩm phân bón hữu cơ (chiếm 5% tổng số phân bón) thì đến tháng 4-2019 đã có 2.312 sản phẩm phân bón hữu cơ (chiếm 11,1% tổng số phân bón) được phép lưu hành. Sản lượng phân bón hữu cơ thời gian qua tăng nhanh, từ 713 sản phẩm vào tháng 12-2017 lên 2.312 sản phẩm, tính đến tháng 4-2019. Mặc dù vậy, sản lượng còn rất khiêm tốn, mới ước đạt 1 triệu tấn (năm 2018) trong tổng số gần 30 triệu tấn phân bón tiêu thụ hằng năm. Việt Nam đang phấn đấu đạt sản lượng 3 triệu tấn phân bón hữu cơ vào năm 2020. Hiện nay, cả nước đang có 217 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với công suất thiết kế 3,36 triệu tấn/năm, đủ sức hoàn thành mục tiêu trên.
Tạo niềm tin cho nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Thơ, Trưởng Phòng Kỹ thuật dinh dưỡng cây trồng Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, để tăng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, nhà nước và DN cần tuyên truyền cho nông dân và thương lái về lợi ích của sản xuất theo hướng hữu cơ. "Đặc biệt, nhà nước cần tăng cường quản lý chất lượng phân bón hữu cơ và có cơ chế giúp các DN hay trang trại sản xuất hữu cơ trong giai đoạn đầu" - ông Thơ đề xuất. Cũng theo ông Thơ, Tập đoàn Lộc Trời đang phấn đấu sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt chất lượng tốt nhất và sẽ tiến hành đăng ký chứng nhận hữu cơ ngay khi Việt Nam có tổ chức chứng nhận.
Không chờ đợi chứng nhận phân bón hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Hợp Trí đã âm thầm mời tổ chức quốc tế về đánh giá để cấp chứng nhận. Sản phẩm phân bón lá Hợp Trí Super Humic vừa được Viện Nghiên cứu vật liệu hữu cơ Mỹ (OMRI) cấp chứng nhận được phép sử dụng trong các hoạt động hữu cơ được chứng nhận theo Chương trình Hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Bà Phan Nguyễn Nguyên Ngọc, phụ trách truyền thông Công ty CP Đầu tư Hợp Trí, cho biết sản phẩm đã có mặt trên thị trường 15 năm qua.
"Với chứng nhận OMRI, Hợp Trí hy vọng bà con nông dân tiếp tục an tâm khi lựa chọn sản phẩm chất lượng từ DN. Những năm qua, sản phẩm đã được sử dụng cho những cây trồng chủ lực như lúa, thanh long, sầu riêng, cây có múi, điều, tiêu, nhãn, hoa màu… và cho hiệu quả rõ rệt trong việc cải tạo đất, ra rễ mạnh, giúp cây khỏe và phát triển tốt" - bà Ngọc nói.
Bình luận (0)