Nguyên nhân bắt nguồn từ kế hoạch điều chỉnh giá nhiều dịch vụ mặt đất của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).
Phát sinh hàng trăm tỉ đồng
Theo phản ánh của một hãng hàng không, chi phí đầu vào của hãng trong năm 2016 dự kiến bị đội lên hơn 200 tỉ đồng do ACV tăng giá và bắt đầu thu một số dịch vụ đang cung cấp cho các hãng tại sân bay, tổng cộng lên tới 10 dịch vụ.
Trong đó, có 2 khoản thu mới gồm dịch vụ kiểm tra an ninh đối với xe suất ăn, xe chở xăng dầu và dịch vụ phân loại hành lý tự động. Phí 2 loại dịch vụ nói trên được thu tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh tổng cộng một năm là hơn 100 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ACV cũng đề nghị các chuyến bay của hãng này cập cầu ống lồng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài phải sử dụng dịch vụ tra nạp nước sạch của ACV. Các hãng hàng không còn bị tăng chi phí đầu vào khi sân bay Vinh được điều chỉnh thành sân bay nhóm A từ ngày 1-1-2016…
Theo lãnh đạo ACV, những năm gần đây, thị trường hàng không tăng trưởng ở mức 2 con số, ACV đã kịp thời đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay đạt chuẩn quốc tế, nâng công suất thiết kế các sân bay trong cả nước lên 80 triệu hành khách/năm vào năm 2015, gấp đôi so với năm 2012. Do đó, doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá là để thu đúng, thu đủ các dịch vụ đã cung cấp cho các hãng hàng không.
Một chuyên gia hàng không phân tích ACV bổ sung các loại phí phân loại hành lý và kiểm tra an ninh xe suất ăn là không hợp lý. Vì người sử dụng cuối cùng đối với dịch vụ này là hành khách nhưng thực tế, khi đi máy bay, hành khách đã phải trả các loại thuế, phí sân bay. “Nếu thu phí của nhà vận chuyển sẽ có nguy cơ phí chồng phí” - vị này nhận xét.
Đẩy lùi cơ hội bay giá rẻ
Trong khi đó, các hãng hàng không đang lo ngại việc tăng chi phí phải trả ở các sân bay sẽ buộc các hãng phải đánh giá lại chi phí, giá thành và tính toán sao cho mỗi chuyến bay phải bảo đảm bù đắp được các loại chi phí bỏ ra cộng với lợi nhuận.
Nếu chi phí tăng, hãng không thể tăng ngay giá vé. Giải pháp được tính đến là giảm bớt số lượng vé ở mức giá thấp, vé khuyến mãi và tăng số lượng vé ở mức giá cao. Ví dụ, thay vì mở bán vé 100.000 đồng thì hãng sẽ chỉ bán mức thấp nhất là 150.000 đồng và tăng số lượng vé ở mức giá cao.
“Hàng không giá rẻ luôn phải có những đợt khuyến mãi và mở bán nhiều giá thấp để kích thích nhu cầu đi lại bằng máy bay của một bộ phận khách bình dân. 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng khách vận chuyển tăng lên nhưng doanh thu nội địa của chúng tôi lại giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái vì thị trường chưa bao giờ cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay.
Riêng chặng Hà Nội - TP HCM mỗi ngày có cả trăm chuyến bay khứ hồi. Doanh thu bán trung bình tính trên hành khách/km giảm khá mạnh. Nếu chi phí đầu vào tăng, vé giá thấp bán ra ít hơn thì nhu cầu đi lại của người dân có thể giảm” - lãnh đạo một hãng hàng không phân tích.
Về phía cơ quan quản lý, Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận dịch vụ nhiều sân bay địa phương hiện đang ở mức thấp, phải bù lỗ từ 3 sân bay lớn. Song, do đặc thù vốn đầu tư hạ tầng sân bay từ nguồn ngân sách nhà nước nên không thể thu theo giá thị trường mà cần phải có sự điều tiết của nhà nước. Cơ quan chức năng sẽ xem xét việc điều chỉnh giá của ACV trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến giá vé máy bay.
Bình luận (0)