MobiFone và AVG đã đi đến thống nhất hủy hợp đồng trị giá gần 9.000 tỉ đồng chỉ 4 ngày sau khi có lệnh thanh tra của Tổng Bí thư. Ảnh minh hoạ
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), cho biết mặc dù trong hợp đồng kinh tế có điều khoản về hủy hợp đồng nhưng trên thực tế, việc huỷ hợp đồng là rất hạn hữu.
Ông Hải cho rằng trường hợp hủy hợp đồng trong thương vụ của Tổng Công ty Viễn thông Di động (MobiFone) và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), có thể bên bán nhận thức được vấn đề phức tạp thì hủy hợp đồng để tránh rắc rối, nhưng ở đây có tính chất đặc biệt bởi nếu Tổng Bí thư, Ban Bí thư không có chỉ đạo thanh tra thương vụ này thì có chuyện hủy hay không?
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết rất mừng là bước đầu thu hồi được tài sản rất đáng kể cho Nhà nước khi nhóm cổ đông AVG đã đặt cọc tiền để cam kết thực hiện hủy hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông Hải, số tiền bồi thường đó không đáng kể gì so với giá trị MobiFone đã có thể tạo ra nếu thực hiện cổ phần hoá đúng tiến độ. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải kiểm điểm vì một thương vụ rất lớn tới gần 9.000 tỉ đồng tại sao thông qua dễ dàng như vậy trong khi MobiFone mua lại một doanh nghiệp là AVG không có gì đặc biệt.
Ông Hải phân tích năm 2004, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam rất nhỏ bé, èo uột. Vafi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần lựa chọn một số doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả có vốn lớn thực hiện cổ phần hoá, niêm yết để tạo hàng hoá phát triển thị trường. Trong danh sách doanh nghiệp được đề xuất thực hiện cổ phần hoá, Vafi đề nghị bán cổ phần Nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, MobiFone...
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định yêu cầu 10 doanh nghiệp lớn phải niêm yết, bao gồm Vinamilk, Sabeco... Riêng trường hợp của MobiFone sẽ chậm hơn vì tại thời điểm đó MobiFone vẫn còn vốn của nhà đầu tư Thuỵ Điển, nên Chính phủ dự định sau khi MobiFone chấm dứt hợp đồng kinh doanh với đối tác ngoại để trở thành doanh nghiệp Nhà nước, lúc đó sẽ tiến hành cổ phần hóa.
Tại thời điểm này, MobiFone đã bỏ cả triệu USD thuê tư vấn nước ngoài định giá, lên phương án chọn nhà đầu tư chiến lược. Kết quả là doanh nghiệp đã được định giá xong (khoảng 2 tỉ USD - PV), chỉ việc bán nhưng dùng dằng đến năm 2008. Đến đó, việc cổ phần hoá MobiFone lại bị đình hoãn mà không có lý do gì chính đáng mặc dù trong nhiều năm, nhà đầu tư ngoại liên tục "nhòm ngó", chờ cơ hội mua lại cổ phần của doanh nghiệp này.
Trải qua 3 thời kỳ bộ trưởng, đến nay vẫn chưa cổ phần hóa được MobiFone. Đặt vấn đề nếu nhà mạng này được cổ phần hóa từ năm 2008 thì sẽ không có cái bắt tay với AVG vì nhà đầu tư sẽ giám sát, không thể có thương vụ vô lý này xảy ra. Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng MobiFone thực hiện niêm yết, minh bạch hóa thông tin thì với áp lực của cổ đông, công tác nhân sự cũng không thể nhiều vấn đề như đã xảy ra. Thậm chí nếu cổ phần hoá theo đúng lộ trình thì MobiFone đã có thể góp cổ tức cho Nhà nước hàng tỉ USD bởi đây là doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Nhưng đáng tiếc là từ lúc đình hoãn cổ phần hoá, nhân sự quản lý yếu kém, hoạt động sa sút mới dẫn đến chuyện mua AVG.
"AVG không có gì đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình mà MobiFone mua lại 95% cổ phần với giá rất cao là điều hết sức vô lý. Nguyên nhân sâu xa vẫn là chúng ta không quyết liệt trong chuyện cổ phần hoá MobiFone mặc dù có đủ điều kiện để làm vì đây là hàng hoá rất hấp dẫn. Đây là bài học về hiện tượng doanh nghiệp Nhà nước trốn cổ phần hoá, bị nhóm lợi ích xâu xé dẫn đến những hậu quả lớn"- ông Hải nhận định.
Bình luận (0)