Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy năm 2017 là năm đầu tiên Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sau suốt 15 năm vị trí này thuộc về Mỹ.
Tăng 61,5%
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã tăng tới 61,5%, đạt 35,46 tỉ USD.
Với ngành dệt may, Trung Quốc vượt Nhật và Hàn Quốc để trở thành thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 3,45 tỉ USD, tăng 25,6% so với năm 2016. Xuất khẩu giày dép sang Trung Quốc cũng tăng 26,1% so năm 2016. Với thủy sản, trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ và EU tăng trưởng chậm, Trung Quốc đang và tiếp tục là thị trường thay thế tiềm năng với cơ hội cũng như dư địa tăng trưởng xuất khẩu lớn…
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua Ảnh: Ngọc Trinh
"Kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, nhu cầu nhập khẩu nông, thủy sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng tích cực. Giá thành sản xuất của Trung Quốc có xu hướng tăng làm giảm cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Việt Nam lại có lợi thế về vị trí địa lý, chung đường biên giới nên tác động tích cực đến xuất khẩu các tháng cuối năm, đặc biệt là cá tra, trái cây tươi" - ông Hải phân tích nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu Trung Quốc gia tăng "chóng mặt".
Ở góc nhìn khác, giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có chủ trương hướng nội bằng cách theo đuổi các chính sách bảo hộ thương mại, Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại bằng cách tăng cường thương mại và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. "Chủ nghĩa bảo hộ thương mại từ phía Mỹ rõ ràng sẽ làm giảm lợi ích của các nước khu vực châu Á. Do đó, Trung Quốc sẽ là thị trường tốt hơn để khai thác" - một chuyên gia nhận định.
Cẩn trọng nguy cơ phụ thuộc
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng là bởi một phần hàng hóa vốn được xuất khẩu tiểu ngạch trước đây, nay đã được đưa vào thống kê chính thức. "Trung Quốc có động thái thúc đẩy quan hệ xuất nhập khẩu chính ngạch với Việt Nam, thay cho việc chấp nhận tiểu ngạch. Chính vì vậy, số liệu xuất khẩu tiểu ngạch mới được thống kê dẫn đến số xuất khẩu chính thức tăng lên" - ông Doanh nói.
Do đó, theo chuyên gia này, mức tăng trưởng xuất khẩu thực sang Trung Quốc không tăng mạnh như con số thống kê thể hiện. Tuy nhiên, về lâu về dài, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có tiềm năng rất lớn bởi Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Từ đó, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm, ký kết các đơn hàng lớn, giá trị gia tăng cao, không dừng lại ở xuất thô, xuất đồ đông lạnh.
"Tuy vậy, vẫn cần phải nhìn nhận Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bởi nhu cầu hàng hóa và sản phẩm sản xuất ra ở 2 nước có tính bổ trợ cho nhau. Mở rộng hơn, trong mọi tình huống, cần phải giữ sự đa dạng thị trường bởi nếu phụ thuộc vào một đối tác thì xét về mặt kinh tế học là rất bất lợi. Nhất là với Trung Quốc, càng cần phải cẩn trọng khi nước láng giềng "làm mình làm mẩy", tạo rào cản tạm ngừng nhập khẩu khiến hàng hóa của Việt Nam bị ùn ứ, hư hỏng, thiệt hại lớn" - TS Lê Đăng Doanh lưu ý.
Thực tế, nhiều ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã và sẽ gặp phải những rào cản từ nước này. Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, nhìn nhận trong suy nghĩ chung trước đây thì Trung Quốc là thị trường dễ tính. Tuy nhiên, hiện nay, nước này đã có những rào cản chặt chẽ hơn rất nhiều. "Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp muốn hàng của mình xuất ổn định sang Trung Quốc phải đạt điều kiện kỹ thuật, quy định bởi nếu không có thể bị trả về" - ông Trung khuyến cáo.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ tăng hơn 13%/năm trong giai đoạn 2018-2020. Cùng đó, Việt Nam sẽ giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% cho tới năm 2020 - mức tăng vào hàng mạnh nhất thế giới. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tương đương gần 100% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2017. Do vậy, việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu có thể đặt ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam. Một trong những cách thức để hạn chế rủi ro này là theo đuổi các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước để khai thác sâu thêm các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU và mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bình luận (0)