Sau khi đã thông báo với Chính phủ VN ngày 20-7 về ý định bán cổ phần tại VN, tập đoàn dầu khí BP của Anh đang chờ sự cho phép của Chính phủ VN để chính thức tiến hành quy trình tiếp thị các tài sản.
Chiều 26-7, bộ phận truyền thông của BP tại VN khẳng định với Báo NLĐ rằng chưa thể tiết lộ thông tin về đối tác muốn mua cổ phần và thời điểm rao bán. “Tập đoàn BP quyết định tìm kiếm khả năng bán các tài sản phần thượng nguồn của mình tại VN. Đây là một trong những kế hoạch BP dự kiến bán tài sản của mình ở các nước với tổng trị giá lên tới 10 tỉ USD nhằm thực hiện những cam kết đền bù và xử lý vụ tràn dầu tại Vịnh Mexico”- đại diện BP cho biết.
Trước đây, Tập đoàn Khí đốt Ấn Độ (ONGC) do khó khăn về tài chính, từng bán bớt cổ phần của mình tại dự án Nam Côn Sơn cho BP/Statoil (tổ chức khai thác dầu khí giữa BP và Công ty Dầu khí quốc gia Na Uy) nhưng hiện ONGC là một trong những đối tác đầu tiên đặt vấn đề mua lại tài sản của BP tại VN.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) từ chối xác nhận khả năng mua lại tài sản của BP trong dự án Nam Côn Sơn, song phân tích về nguyên tắc, các nhà đầu tư muốn mua cổ phần của BP đều phải thực hiện theo đúng thủ tục của pháp luật VN và thông lệ quốc tế. Theo đó, bên bán sẽ ưu tiên các đối tác tham gia liên doanh trước. Như vậy, theo hợp đồng, PVN có quyền mua lại tài sản của BP và có quyền mua trước so với các đối tác bên ngoài. Tất nhiên, giá mua bán phải là giá đấu thầu.
Sở dĩ có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc mua cổ phần của BP tại VN vì đây là các dự án tốt. Bản thân BP cũng khẳng định VN là môi trường đầu tư tốt, việc bán tài sản thuần túy là một trong những biện pháp để khắc phục sự cố tràn dầu. Kế hoạch này không ảnh hưởng đến những mảng kinh doanh khác của Tập đoàn BP tại thị trường VN như cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, sản xuất và kinh doanh dầu nhờn của Công ty Castrol BP Petco.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết BP là nhà đầu tư lớn, có mặt ở VN từ năm 1989 trong lĩnh vực khai thác dầu khí, sản xuất, kinh doanh điện và đã có những thành công nhất định tại VN. Dầu khí là lĩnh vực liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia nên việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải được sự cho phép của Chính phủ.
Tài sản phần thượng nguồn của BP tại VN được bán bao gồm hai mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ và giàn khai thác Lan Tây, đường ống khí Nam Côn Sơn và Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy Điện Phú Mỹ 3. Các dự án này có tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ USD tại thời điểm thực hiện dự án. Việc phát hiện khí thiên nhiên lần đầu tiên tại khu vực Lan Tây Đỏ (lô 06-1) bồn trũng Nam Côn Sơn những năm 1992-1993 đã mở ra bước ngoặt cho ngành công nghiệp khí và chế biến khí VN. Từ đó, ra đời tổ hợp khí điện Nam Côn Sơn bao gồm việc phát triển, khai thác khí tại hai mỏ Lan Tây, Lan Đỏ; lắp đặt đường ống dẫn khí ngoài khơi và xây dựng, vận hành Nhà máy Điện Phú Mỹ 3. Đây là dự án khí thiên nhiên lớn nhất VN, tính đến thời điểm này.
Bình luận (0)