Hàng loạt điểm mới tại Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, trong đó, cho phép nhà đầu tư được mua bán chứng khoán chờ về, cho giao dịch trong ngày. Tuy vậy, có thể việc áp dụng này chưa thể triển khai ngay vì chờ văn bản hướng dẫn cũng như cần thêm thời gian để chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Cổ phiếu khó tăng giá mạnh
Tại điều 7 của thông tư có quy định chung về giao dịch và thanh toán giao dịch chứng khoán nêu rõ nhà đầu tư được đặt lệnh bán đối với số lượng chứng khoán đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại ngày giao dịch và chứng khoán giao dịch chờ về. Nghĩa là những cổ phiếu mà nhà đầu tư đã đặt lệnh mua trên hệ thống và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục sở hữu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được vừa mua vừa bán một loại chứng khoán trong phiên giao dịch khớp lệnh liên tục và phiên đóng cửa nếu lệnh đó được đặt trong phiên khớp lệnh liên tục. Mọi hoạt động thanh toán, giao dịch chi trả tiền cho nhà đầu tư phải thực hiện qua ngân hàng thương mại.
Các nhà quan sát thị trường cho rằng sản phẩm mới này giúp tần suất giao dịch của thị trường chứng khoán tăng lên, đồng nghĩa với thanh khoản trên thị trường cũng tăng. Bởi thông thường, với giao dịch T+2 thì khi nhà đầu tư đặt lệnh mua một mã chứng khoán phải đợi 2 ngày sau mới có thể bán được thì nay có thể bán ngay trong ngày.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng thông tin này thực tế đã được nhà đầu tư tiếp nhận trong thời gian vừa qua và nhà đầu tư cũng kỳ vọng hoạt động này sẽ kích thích tăng thanh khoản cho thị trường để họ lướt sóng nhiều hơn và có thể phát sinh thêm một số hệ thống mua bán tự động để kiếm tiền trong ngày như mua bán vàng.
Theo giám đốc môi giới một công ty chứng khoán khác có trụ sở tại TP HCM, với việc áp dụng mua bán chứng khoán chờ về ngay trong ngày, có thể làm cho biên độ tăng giá của cổ phiếu sẽ không còn mạnh như trước nữa bởi thay vì trước đây một phiên giao dịch giá cổ phiếu tăng 4%-5%/phiên, trong 2-3 phiên có thể tăng đến 10%-12% nhưng nay thì cao lắm giá cổ phiếu chỉ tăng chừng 2%-3% là nhà đầu tư sẽ chốt lãi. Chính hoạt động này sẽ khiến chính các công ty chứng khoán được hưởng lợi vì phí môi giới gia tăng.
Còn chờ hướng dẫn
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán, phân tích: Khi thông tư được áp dụng, thị trường chắc chắn sẽ sôi động. Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng đủ hệ thống kỹ thuật để thực hiện hoạt động này.
Trong trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh bán trước khi mua hoặc khối lượng bán nhiều hơn số đã mua trước đó hoặc lệnh giao dịch vượt quá hạn mức tối đa thì công ty chứng khoán có quyền từ chối, không thực hiện giao dịch cho nhà đầu tư. Theo ông Tuấn, việc này chưa sẵn sàng thực hiện vào ngày 1-7 tới mà cần thêm thời gian để thử nghiệm, hoàn chỉnh từ các công ty chứng khoán.
Thực tế, tại cuộc họp trao đổi về nội dung này giữa các thành viên thị trường mới đây, các công ty chứng khoán cũng như quỹ đầu tư đều cho rằng cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị hệ thống kỹ thuật, kiểm tra thử hoạt động giao dịch này tại các công ty chứng khoán… nên chưa thể thực hiện theo đúng thời gian 1-7 mà có thể kéo dài một vài tuần sau đó.
Đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước; các sở giao dịch chứng khoán cũng cần có thời gian thay đổi quy chế giao dịch và cũng cần phải có sự thống nhất bước giá của cổ phiếu trên thị trường. Ví dụ, cổ phiếu dưới 10.000 đồng thì bước giá sẽ là 100 đồng, từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng thì bước giá 500 đồng và từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng thì bước giá là 1.000 đồng.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán trong ngày cũng đi kèm với rủi ro vì có thể giao dịch chồng chéo, hay có trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh bán trước khi mua hoặc khối lượng bán nhiều hơn số đã mua trước đó, hoặc lệnh giao dịch vượt quá hạn mức tối đa… Vì vậy, rất cần nhà quản lý có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu nạn thao túng thị trường, thao túng giá cổ phiếu, tạo cung - cầu ảo của các nhà đầu tư lớn.
Sàng lọc công ty chứng khoán
Ngoài quy định về giao dịch chứng khoán, Thông tư 203 cũng quy định các công ty chứng khoán được phép cho khách hàng vay giao dịch ký quỹ phải là công ty không thuộc diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt. Các công ty này cũng không được lỗ lũy kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ, có tỉ lệ vốn khả dụng phải đạt theo quy định pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính, tỉ lệ tổng nợ trên vốn khả dụng không quá 3 lần; không bị sáp nhập… Vốn chủ sở hữu của các công ty cũng không thấp hơn vốn pháp định, đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ nợ trên vốn sở hữu, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro… Theo các chuyên gia trong ngành, những quy định của Thông tư 203 có thể giúp sàng lọc những công ty chứng khoán yếu kém, tự rút khỏi thị trường để nhà đầu tư tập trung vào các công ty lớn, mạnh nhằm giảm thiểu rủi ro.
Thông tư cũng quy định các công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm xử lý và có nghĩa vụ thanh toán, chuyển giao chứng khoán cho nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư không có tiền để thanh toán hoặc không đủ chứng khoán để chuyển giao trong ngày… Do đó, chỉ có những công ty chứng khoán lớn, ổn định tài chính mới có thể hỗ trợ tốt hoạt động nhà đầu tư.
Bình luận (0)