Nhiều tuyến đường ở TPHCM như Tây Thạnh (KCN Tân Bình), Nguyễn Văn Linh (KCX Tân Thuận), Quang Trung (quận Gò Vấp) - những nơi tập trung đông công nhân - là lãnh địa của những “cửa hàng” quần áo với đủ màu sắc, chất liệu được bày bán với giá hấp dẫn.
Rẻ, đa dạng, mau hỏng
Những nơi này bày bán nhiều mặt hàng đủ các chất liệu như cotton, thun dãn bốn chiều, len, sợi dệt, voan, phi bóng… với mẫu mã đa dạng, bắt mắt nhưng mỗi mẫu, mỗi mặt hàng lại từ một nhà sản xuất khác nhau, không tên tuổi. Có khi là một cái tên nước ngoài dài khó nhớ (Classic Elements Woman, Crazzy Teen, Zennio De Luxe…), khi lại là một cái tên Việt lạ hoắc!
Khách mua hàng đa số là công nhân, không yêu cầu cao về chất lượng, chỉ quan tâm đến giá rẻ và mẫu mã. Chị Ly (công nhân nhà may Phương Đông, đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cho biết: “Áo chỉ 15.000 đồng/cái, xài khoảng 1 - 2 tháng bỏ là vừa”. Những loại quần áo giá rẻ này khá mỏng, thường sử dụng cotton cấp thấp, chỉ giặt vài lần là dãn.
Chọn mua quần áo “xi” ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh - TPHCM
Còn ở các chợ sỉ, khách mua hàng đa số cũng là người nghèo nên thường thích giá rẻ hơn là chất lượng tốt. Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), một chiếc khăn choàng cổ sử dụng vải thô khá bền, giá chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng, tùy độ lớn của chiếc khăn. Hương Lan, nhân viên văn phòng ở gần chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết chị thường đến đây mua quần áo, tuy không đẹp nhưng chất liệu bền và giá quá rẻ.
Nguồn hàng từ đâu?
Bà Kim Thanh, bán quần áo trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú), cho biết với giá 15.000 đồng/áo thun, 45.000 đồng/quần tây, 60.000 đồng/quần jeans nam… hàng bán khá chạy, người mua cũng hài lòng. Vào dịp cuối tuần hoặc những ngày công nhân lĩnh lương, lượng khách tăng lên đáng kể, bà Thanh kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày thay vì trung bình 150.000 đồng/ngày thường.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn cung của quần áo vỉa hè, nhiều người bán tỏ ra dè dặt, tránh trả lời. Theo họ, đây là “hàng công ty”, tức là hàng từ trong các công ty may bị lỗi, không xuất khẩu được, tuồn ra vỉa hè bán với giá rẻ. Thực ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ một phần nhỏ trong số đó có hàng công ty, thường được người bán đưa ra giới thiệu, phần lớn còn lại có xuất xứ từ chợ sỉ.
Công nhân mua khăn hàng “xi” tại chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình - TPHCM
Bà Kim Thanh tiết lộ: Những người bán vỉa hè thường tới chợ Tân Bình (quận Tân Bình) lấy khoảng 80-100 gói quần áo người lớn (5 cái/gói) để bán trong một tuần. Giá gốc của mỗi gói quần áo chỉ bằng một nửa so với giá nói thách với khách hàng. Với một gói áo thun mua tại chợ giá 100.000 đồng (20.000 đồng/cái), giá bán vỉa hè sẽ được đẩy lên 30.000 - 35.000 đồng/cái. Mức giá này, người mua vẫn cho là rẻ.
Hàng của các cơ sở nhỏ dễ bán Một nguồn cung quần áo vỉa hè khác là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các cơ sở này làm hàng theo thị hiếu người tiêu dùng thu nhập thấp với nguyên liệu và giá nhân công rẻ. Chính vì thế, khi đưa ra thị trường, sản phẩm của các cơ sở này thường có giá rất dễ chịu. Anh Tiến Dũng, người đặt hàng tại xưởng may Khang Việt (đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp) để bán ở vỉa hè, cho biết: Quần áo của các cơ sở may nhỏ lẻ tốt hơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giá cũng rẻ hơn nên dễ bán. Mỗi ngày, anh bán được khoảng 20-30 cái, kiếm được 200.000 - 300.000 đồng. |
Bình luận (0)