Dù đã dự thảo lần thứ bảy nhưng vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Các đại biểu là lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành và những hộ nuôi yến cho rằng cần thống nhất về việc quy hoạch vùng nuôi ở từng địa phương, làm sao quản lý tốt các điều kiện nuôi, đặc biệt là khâu an toàn, vệ sinh chuồng trại cũng như kiểm soát việc khai thác để bảo đảm lợi ích cộng đồng.
Lúng túng
Theo một chủ hộ nuôi yến ở tỉnh Long An, cần phải sớm có quy định, hướng dẫn rõ ràng để lãnh đạo các địa phương khỏi lúng túng. Vùng nuôi yến phải có quy hoạch sơ bộ và giao về địa phương thực hiện quy hoạch này. Nhà nuôi yến phải độc lập, cách xa nhà dân xung quanh ít nhất 30 m. Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ - TPHCM, ông Phạm Trọng Đức, cho rằng quy định về nuôi chim yến hiện chưa rõ ràng, cụ thể. Nếu theo quy định của Bộ NN-PTNT thì phải chuyển sang đất trang trại, muốn xây dựng nhà nuôi yến phải xin phép, trong khi theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì để nuôi trang trại, phải có đánh giá tác động môi trường dù là nuôi 1 nhà yến. Như vậy thì rất tốn kém, gây nhiều khó khăn cho hộ nuôi. Đã có trường hợp người dân xin giấy phép xây nhà ở, sau đó dẫn dụ yến về nuôi. Vì thế, phải sớm có quy định rõ ràng về điều kiện nuôi yến.
Phải đăng ký
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này có 77 nhà nuôi yến nhưng có đến 67 nhà nuôi yến ở trong khu vực dân cư. TPHCM cũng có 300 hộ nuôi, trong số này rất nhiều hộ nuôi trong khu vực nội thành. Bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Việt, cho rằng bản thân yến là loại chim tự nhiên, sống rất khỏe, không tiếp xúc với người và ít “tụ tập” nên khả năng lây bệnh rất ít. Điều quan trọng là phải xử lý chuồng trại, xử lý cả nước thải để bảo đảm an toàn trong quá trình nuôi. Theo bà Loan, nếu đặt ra quy hoạch vùng nuôi thì chưa chắc hiệu quả vì không phải vùng nào, khu vực nào cũng dẫn dụ được yến về. Đồng tình, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT, cho rằng vùng nông thôn chưa hẳn đã phù hợp cho yến. Vì vậy, vấn đề cần bàn không phải là có được nuôi yến trong khu vực dân cư hay không mà nên quy định vùng cấm nuôi. Mục đích quản lý là không triệt tiêu ngành chăn nuôi vừa được thế giới gọi là “vàng trắng” này, kiểm soát được dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho con người. Do đó, cần có đăng ký hoạt động nuôi yến để kiểm soát. Nên giao cho phòng kinh tế hoặc thú y cấp quận, huyện có chuyên môn để thẩm định điều kiện thay vì là phường, xã… Ngoài ra, cần luật hóa điều kiện xử lý dịch bệnh để không phải lúng túng như chuyện đã xảy ra ở Ninh Thuận vừa qua.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Sài Gòn Anpha, cho rằng dù yến là loại chim tự nhiên nhưng đã xác định khai thác và xem đây là ngành kinh tế cao thì đã đến lúc ngành chức năng cần hướng người nuôi đến việc lựa chọn thiết bị nuôi phù hợp, lâu dài, có tính bền vững và có ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cũng cần có quy trình, kiến thức liên quan đến hệ thống xử lý chuồng trại và đầu tư các thiết bị xử lý hiện đại để bảo đảm khâu kiểm soát an toàn nhà nuôi. |
Bình luận (0)