Trở lại các chợ sau hơn một tuần Báo NLĐ có bài viết phản ánh tình trạng nước chấm giá rẻ kém chất lượng, hóa chất không nhãn mác bày bán công khai, chúng tôi ghi nhận cảnh mua bán vẫn diễn ra rôm rả.
Hút hàng nào bán hàng nấy
Tại khu vực nước chấm chợ Bình Tây, can lớn, can nhỏ chứa nước tương, nước mắm, tương đen, dầu ăn xá... vẫn chất la liệt ở lối đi. Hỏi chị N., bán nước chấm: “Báo chí đã phản ánh, chị không sợ bị cơ quan chức năng kiểm tra sao?”. Chúng tôi nhận được câu trả lời không chút do dự: “Hàng này rẻ tiền, chỉ có đợt nước tương nhiễm chất ung thư (3 MCPD – PV) mới bị kiểm tra gắt chứ bình thường ít ai để ý”.
Theo chị N., ngành hàng nước chấm chỉ có một vài sạp ở mặt tiền bán mạnh, còn lại các sạp phía trong thường ế ẩm nên phải tranh thủ, khách hỏi mua hàng gì thì lấy hàng đó về bán. “Lỡ bị bắt thì chịu chứ ai cũng bán, mình không bán lấy gì ăn”- chị nói.
Nói về việc đối phó với đoàn kiểm tra, tiểu thương chợ Tân Bình và chợ Bình Tây có thể kể vanh vách đặc điểm nhận diện những cán bộ thường mặc thường phục đi kiểm tra thị trường. Thấy bóng cán bộ xuất hiện từ xa là các sạp đã thông tin cho nhau để dọn dẹp quầy hàng.
Theo các tiểu thương, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) chỉ đi kiểm tra trong những đợt cao điểm, bình thường hiếm khi xuống chợ. Vả lại, mỗi lần kiểm tra chỉ “hỏi thăm” một vài sạp, sạp nào xui thì bị “dính”. Sau khi đoàn kiểm tra đi, các sạp lại bán buôn bình thường, miễn đừng quá lộ liễu bày hàng không nhãn mác, không xuất xứ ra trước mặt tiền sạp.
|
Chị T., một tiểu thương lâu năm ở chợ Xóm Chiếu (quận 4-TPHCM), với tay lên sạp trưng bày hàng, lấy xuống một bịch bột ngọt đóng sẵn từng gói 200 g, 500 g, 1 kg, rồi giãi bày: “Loại bột ngọt này nghe nói là của Trung Quốc nhập qua cửa khẩu biên giới phía Bắc vào.
Ăn thử thì thấy cũng ngon, thực tế có chứa chất gì độc hại không thì không biết được. Giá một bịch bột ngọt có nhãn mác, có trọng lượng 400 g, do các nhà máy bỏ sỉ qua các đại lý rồi mới đến người bán lẻ hơn 18.000 đồng/bịch.
Người bán chỉ lời chừng 500 đến 700 đồng/bịch. Nhưng bột ngọt không nhãn mác (còn gọi là bột ngọt xá) thì giá mỗi bịch 0,5 kg chỉ có 11.000 đồng, người bán hưởng chênh lệch 1.000 – 2.000 đồng/bịch”. Sở dĩ có giá rẻ như vậy, theo chị T. là do tiểu thương mua nguyên cả bao 30 kg hoặc 50 kg về xé ra, đóng gói lẻ nên không tốn bao bì mà hàng này cũng “hút” hơn bột ngọt có nhãn mác vì phần lớn các quán cơm, quán phở, các bếp ăn tập thể tiêu thụ rất mạnh.
Khó “đánh” vụ nhỏ lẻ!
Trước việc biết rõ ràng nơi bán thực phẩm không rõ nguồn gốc nhưng QLTT không bắt tận gốc, anh T., một cán bộ lâu năm trong ngành này, giải thích: Trong barem phạt không có mức phạt cho hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Một lô hàng nhìn thì nhiều như vậy nhưng giá trị rất ít. Nếu bắt nước tương, bột ngọt, mì gói, đường... không nhãn mác là phải chờ có chiến dịch gom hết về để đi kiểm tra một thể. Nhìn bằng mắt thường, QLTT không có cơ sở để kết luận rồi đưa ra mức phạt mà phải đem đi kiểm tra chất lượng sản phẩm, kinh phí kiểm tra chất lượng không phải lúc nào cũng được duyệt.
Ngân sách có thể chi vào kiểm tra chất lượng hàng hóa với điều kiện hàng hóa này phải có giá trị lớn hoặc nơi sản xuất chí ít cũng có nhà xưởng... thì mới có căn cứ về cơ sở về vật chất mà tiến hành. Nếu chỉ vì vài chai nước tương, dăm chai nước mắm, mấy hộp thuốc tây thì chỉ tịch thu, phạt là hết. Nếu đối tượng trốn hoặc không chịu nhận, có khai báo thì cũng không có cơ sở để xác minh đành bó tay!
Về dư luận cho rằng QLTT chỉ lăm lăm phạt những vụ lớn để lấy tiền thưởng, theo một cán bộ đang công tác trong ngành này thì Nhà nước quy định với mức phạt 100 triệu đồng, QLTT sẽ được hưởng tiền thưởng 30%. Có lẽ vì quy định như vậy nên việc QLTT chỉ nhắm vào những vụ lớn là dễ hiểu.
Những vụ việc quá nhỏ bé, có khi cả sạp hàng giá trị chưa đến 1 triệu đồng thì đúng là phạt làm gì cho mất công? Khổ thay những sạp hàng có giá trị nhỏ bé này lại là nguồn cung cấp thực phẩm hằng ngày cho tuyệt đại nhân dân lao động!
Đã cấm thì phải triệt để Anh H., một người chuyên bán nước chấm tại chợ Cầu Ông Lãnh (quận 1-TPHCM), cho biết: “Cứ mỗi lần báo chí đăng là tiểu thương bị một phen hú hồn vì đoàn kiểm tra liên ngành đi sục sạo, thu giữ”. Gian hàng của anh sau khi bị kiểm tra lần đầu, không phát hiện nước tương không nhãn mác, hôm sau đoàn lại đến kiểm tra nữa và xách đi 2 can nước tương. Cũng theo anh H., nước tương có nhãn mác có giá quá cao, người bình dân và những hộ kinh doanh ăn uống sẽ không có lời khi dùng nên phần lớn họ tìm mua loại nước tương giá rẻ không nhãn mác.
|
Bình luận (0)