Những năm gần đây, Quảng Nam nổi lên là một địa phương hết sức năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ đã đến Quảng Nam thực hiện các dự án và thu lại nhiều thành quả.
Địa lợi, nhân hòa
Cách Hà Nội và TP HCM 1 giờ bay, tiếp giáp với TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên, nước bạn Lào và có 125 km bờ biển, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là địa phương có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để kết nối với các tỉnh, thành và các nước trong khu vực. Quảng Nam những năm qua đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ với hệ thống giao thông kết nối từ đồng bằng lên miền núi, sang nước bạn Lào, Thái Lan. Tỉnh có đường sắt đi qua, có cảng biển Kỳ Hà - Tam Hiệp nước sâu, kín gió, có sân bay Chu Lai được quy hoạch tiêu chuẩn 4F, có khả năng phục vụ các loại máy bay tải trọng lớn như Boeing, Airbus... Quảng Nam còn có sự hỗ trợ của sân bay và cảng biển Đà Nẵng ở phía Bắc, tạo thành hệ thống hạ tầng giao thông đầu mối vô cùng quan trọng.
Về tài nguyên, Quảng Nam được biết đến với 2 di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn cùng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, hệ thống sông nước trữ tình và thảm thực vật nguyên sinh phong phú của dãy Trường Sơn với bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến với nguồn tài nguyên biển, nguồn nông lâm sản và khoáng sản phong phú; có Khu Kinh tế mở Chu Lai hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ; có nhiều KCN, CCN đầy đủ hạ tầng, được quy hoạch và đầu tư khá hoàn chỉnh.
Tỉnh Quảng Nam có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối từ vùng xuôi lên vùng ngược, sang nước bạn Lào, Thái Lan
Về nguồn nhân lực, Quảng Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Tính đến cuối năm 2018, dân số trong độ tuổi lao động ở Quảng Nam gần 1 triệu người, trong đó trên 221.000 người đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ của DN. Người Quảng Nam cần cù, chịu khó, ý thức kỷ luật lao động cao - đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định khi các tập đoàn lớn chọn lựa Quảng Nam để đầu tư.
Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, cho biết nhờ chính sách ngày càng thông thoáng, minh bạch của nhà nước và môi trường đầu tư hấp dẫn của Quảng Nam, nhiều DN trong và ngoài nước đã mạnh dạn đầu tư, làm ăn tại vùng đất này. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 DN đang hoạt động, trong đó có nhiều DN mang tầm quốc gia và khu vực, nhiều DN đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện Quảng Nam có 183 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 5,9 tỉ USD. "Hầu hết các dự án đầu tư vào Quảng Nam đều gặt hái thành công, đã và đang góp phần tích cực làm chuyển biến cục diện kinh tế của tỉnh. Một số thương hiệu quốc gia và quốc tế lớn đã hình thành và ngày càng khẳng định vị trí đẳng cấp của mình" - ông Đặng Phong đánh giá.
Trân trọng các nhà đầu tư
Ông Đặng Phong cho rằng dù đã có nhiều DN đầu tư vào Quảng Nam nhưng còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà chưa được khai phá hết. Hiện nay, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các nhóm dự án trọng điểm, tập trung 2 khu vực lớn. Cụ thể, khu vực đồng bằng phía Đông tập trung các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí gắn với biển đảo và hệ sinh thái sông nước mà trọng tâm là vùng ven biển phía Nam Hội An, vùng ven sông Cổ Cò - Thu Bồn - Trường Giang - vịnh An Hòa.
Cũng tại khu vực này, Quảng Nam muốn phát triển công nghiệp cơ khí đa dụng và các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó hạt nhân là Khu Liên hợp lắp ráp ôtô Chu Lai - Trường Hải; thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp dệt may - da giày và công nghiệp phụ trợ cho ngành này. Thu hút đầu tư công nghiệp khí - điện, các sản phẩm sau khí; đầu tư đồng bộ cảng hàng không quốc tế Chu Lai trở thành một trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng các loại máy bay, trung chuyển hàng hóa quốc tế, gắn với ngành công nghiệp hàng không hiện đại...
Khu vực trung du, miền núi phía Tây, tỉnh Quảng Nam khuyến khích các DN hợp tác với người dân địa phương chuyển đổi rừng trồng ngắn hạn sang trồng rừng gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến gỗ. Trồng các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, ba kích, sa nhân, đẳng sâm, giảo cổ lam để hình thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến...
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN, được các nhà đầu tư và DN đánh giá cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2017, Quảng Nam đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến người dân và DN theo cơ chế "tại chỗ", "một đầu mối". Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng cơ bản; phối hợp với nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch; hoàn thiện hệ thống trường nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật, du lịch dịch vụ... Đặc biệt, Quảng Nam sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý bảo đảm khuyến khích và tạo cơ hội thành công cao nhất cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định quan điểm nhất quán của chính quyền tỉnh là coi sự thành công của DN chính là thành công của mình. Ông Đinh Văn Thu kêu gọi những người con Quảng Nam xa quê hương hãy về quê nhà đầu tư, đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của tỉnh nhà và cho đất nước. "Tất cả các nhà đầu tư đến từ trong hay ngoài nước đều được tỉnh chào đón và đối đãi công bằng, minh bạch. Những người con Quảng Nam về đầu tư, giúp quê hương ngày càng phát triển thì đó là điều rất ý nghĩa và rất đáng trân trọng" - ông Thu nhìn nhận.
Kỳ vọng đại dự án 4 tỉ USD
Trong hàng loạt dự án đã và đang triển khai ở Quảng Nam, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) nhận được nhiều kỳ vọng sẽ là cú hích cho sự bùng nổ về du lịch. Có quy mô gần 1.000 ha với tổng mức đầu tư 4 tỉ USD, nằm trên địa phận 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Bình Dương (huyện Thăng Bình), dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An dự kiến sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 vào cuối năm nay. Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Xuyên - nhận định dự án Nam Hội An đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi bộ mặt của vùng Đông huyện nhà, đóng góp ngân sách và tạo ra khoảng 4.000 việc làm.
Bình luận (0)