Ngày 18-3, lần đầu tiên quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) được liên bộ Tài chính - Công Thương xả ở mức kỷ lục: 2.801 đồng/lít với xăng E5 RON92, 2.061 đồng/lít với RON95, 1.343 đồng/lít với dầu diesel, 1.640 đồng/lít với dầu hỏa.
Giảm mạnh dự phòng
Quyết định điều hành giá như trên đem lại tin vui cho người tiêu dùng khi giá các mặt hàng nhiên liệu thiết yếu được giữ ổn định trong bối cảnh giá điện có thể tăng trong tháng này. Tuy nhiên, về dài hạn, lạm dụng quỹ BOG đem đến nhiều rủi ro, như làm nhiễu loạn thị trường, gây áp lực tăng giá vào cuối năm - thời điểm tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng…
Số dư quỹ BOG đến hết ngày 31-12-2018 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là hơn 1.930 tỉ đồng. Chỉ chưa đầy 3 tháng sau, tính đến trước 20 giờ ngày 18-3, số dư sụt xuống chỉ còn 655 tỉ đồng - con số khá khiêm tốn so với mức dư thường xuyên khoảng 1.000 tỉ đồng hoặc lớn hơn của doanh nghiệp xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất này.
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long tỏ ra khá bất ngờ với mức xả quỹ kỷ lục lần này. "Quỹ BOG không phải là nguồn lực vô hạn mà được hình thành từ trích lập 300 đồng đối với mỗi lít xăng dầu bán ra và phải cân đối với nhu cầu xả quỹ rất lớn hiện nay. Quyết định xả quỹ cao quá mức sẽ khiến khả năng dự phòng của quỹ bị giảm mạnh, tạo thách thức trong việc ứng phó với biến động giá trên thế giới. Điều hành giá như vậy là trong tầm nhìn ngắn hạn, chưa phải tầm xa" - chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc mạnh tay xả quỹ vào đầu năm là rất lãng phí nguồn lực bởi đây là thời điểm mà tăng giá hàng hóa chưa tác động nhiều đến các chỉ tiêu kinh tế nói chung. Do đó, quỹ BOG nên dự phòng cho những thời điểm khác quan trọng hơn trong năm, đặc biệt là cuối năm hoặc sau khi tăng giá điện theo lộ trình.
"Công tác điều chỉnh giá luôn phải chừa lại dư địa đủ để xoay xở trong năm. Khi quỹ còn ít, khó tránh khỏi tình huống giá xăng dầu sau khi bị kìm quá mạnh buộc phải bung ra tăng sốc. Đây là cảnh báo từ rất nhiều năm qua nhưng chúng ta chưa giải quyết được. Thay vì xả quỹ quá mạnh để không tăng giá thì nên chọn phương án xả quỹ một phần và tăng giá một phần để tránh đi ngược nhịp của thị trường thế giới, gây những cú sốc về giá sau này" - ông Long góp ý.
Người tiêu dùng vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít xăng dầu để xây dựng quỹ bình ổn giá xăng dầu bất kể giá mặt hàng này tăng hay giảm. Ảnh: TẤN THẠNH
Rất "hên xui"
Cần phải nhắc lại bản chất của quỹ BOG trong việc hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu. Đó là trong trường hợp giá thế giới tăng mạnh, quỹ BOG được xả ra để hạn chế tăng giá bán lẻ trong nước. Sau khi xả quỹ, trong trường hợp giá thế giới ổn định trở lại hoặc giảm thì hiệu quả xả quỹ được đánh giá cao. Còn nếu giá tiếp tục diễn biến tăng trong thời gian dài, quỹ cạn dần thì giá xăng dầu bán lẻ sẽ tăng mạnh hơn thực tế trên thị trường quốc tế do phải gánh áp lực từ những lần kìm giá trước. Một trường hợp khác là giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm thì vai trò của quỹ BOG lại càng mờ nhạt. Ngoài ra, ngay cả khi giá xăng dầu ổn định, người tiêu dùng vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để xây dựng quỹ thay vì được mua giá thấp hơn.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng xét về góc độ bình ổn giá, quỹ BOG có hiệu quả nhất định trong một vài thời điểm. Song xét cả quá trình, cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải chịu mức tăng - giảm giá theo thị trường thế giới, chỉ là trước hay sau. Chưa kể, nếu dồn nén giá khiến phải tăng sốc trong một thời điểm nào đó thì sẽ tác động xấu đến giá cả nhiều mặt hàng khác cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
"Sử dụng quỹ BOG là rất "hên xui" bởi không thể đoán chính xác được diễn biến thị trường. Bởi sẽ có rủi ro lớn khi giá tăng mạnh trong thời gian dài nên tôi không ủng hộ việc duy trì quỹ này" - TS Nguyễn Đức Độ nêu quan điểm.
Theo TS Độ, mô hình điều hành giá lý tưởng nhất mà cơ quan quản lý nên hướng tới là thả nổi giá xăng dầu theo đúng diễn biến thị trường thế giới cũng như khả năng sản xuất trong nước. Muốn làm được điều đó, cần chuẩn bị 2 điều kiện: Một là, phá bỏ thế độc quyền của một doanh nghiệp lớn như hiện nay. Hai là, chuẩn bị tốt tâm lý cho người tiêu dùng làm quen với việc giá xăng dầu lên xuống hằng ngày, hằng tuần.
"Hiện nay, khi Chính phủ còn đặt mục tiêu bình ổn giá mặt hàng này và mong muốn kiểm soát tốt lạm phát thì những dao động mạnh trong ngắn hạn sẽ phải kiềm chế bằng công cụ quỹ BOG. Nhưng về lâu dài, mặt hàng này không thể từ chối tuân thủ quy luật thị trường" - ông Độ nói thêm.
Không phụ thuộc nhập khẩu, sao vẫn cần quỹ BOG?
PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), cho rằng Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu hiện nay đã lỗi thời và cần gấp rút sửa đổi. Trước đây, các nhà máy lọc dầu trong nước chưa đi vào vận hành thương mại, xăng dầu được nhập khẩu để tiêu thụ trong nước chủ yếu từ Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... và tính theo giá quốc tế được tham chiếu từ Singapore. Sau này Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại, đưa Việt Nam từ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm xăng dầu đến chủ động được 70% nguồn cung. Từ năm 2019, nguồn cung xăng dầu nội địa của 2 nhà máy trên dự kiến đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu trong nước. Như thế, Việt Nam không còn phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới với những diễn biến khó lường nữa, tức là quỹ BOG cũng dần hết vai trò.
"Công thức tính giá xăng dầu trong Nghị định 83 cần sửa đổi theo hướng không chỉ tính giá nhập khẩu nước ngoài mà phải tính giá nhiên liệu trong nước, hài hòa với biến động trên thế giới. Ngoài ra, loại bỏ việc trích thu quỹ BOG 300 đồng/lít với các mặt hàng nhiên liệu để bình ổn giá" - ông Đặng Đình Đào đề xuất.
Ph.Nhung
Bình luận (0)