Theo Bộ Công Thương, việc quy định trần - sàn thù lao đại lý sẽ có tác dụng bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, duy trì được hoạt động thường xuyên, liên tục của hệ thống phân phối để cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống. Vì trong thực tiễn, trước mỗi đợt có sức ép tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp (DN) đầu mối đồng loạt giảm thù lao đại lý xuống thấp để giảm lỗ, gây ra tình trạng một số cây xăng bán hàng gián đoạn, đóng cửa vì kinh doanh không có lãi. Ngược lại, khi giá thế giới giảm, các đầu mối có thị phần nhỏ lại mạnh tay chiết khấu hoa hồng lên gần gấp đôi mức thông thường để đẩy mạnh sản lượng bán hàng, ảnh hưởng đến cơ hội và mức giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Vì vậy, hai bộ Công Thương và Tài chính thống nhất sẽ quy định DN được chiết khấu mức thù lao tối đa không quá 50% và tối thiểu là 30% mức chi phí kinh doanh định mức (hiện là 600 đồng/lít).
Đáng lưu ý là để thực hiện công khai, minh bạch trong tính toán giá cơ sở, Bộ Công Thương kiến nghị cần đưa ra mức cụ thể của chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trước thuế của DN. Ví dụ, có thể quy định điều chỉnh định mức chi phí kinh doanh là 860 đồng/lít (kg), lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít (kg). Hoặc không đưa ra mức cụ thể như phương án trên nhưng vào tháng 1 hay quý I, Bộ Tài chính công bố con số cụ thể và đưa ra nguyên tắc, cơ sở tính toán để điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.
Về quỹ bình ổn, hai bộ thống nhất quy định tổ giám sát liên ngành có trách nhiệm quy định mức trích quỹ thấp hơn quy định hoặc tạm thời ngừng trích quỹ khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân...
Bình luận (0)