Quyết định 1134/QĐ-BNN-TCLN do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Hà Công Tuấn ký ngày 5-4 về “Quy hoạch phát triển cây mắc-ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030”.
Theo đó, đến năm 2020 tổng diện tích trồng cây mắc-ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên sẽ vào khoảng 9.940 héc ta, và tiềm năng phát triển cây mắc-ca đến năm 2030 vào khoảng 34.500 héc ta, gồm 7.000 héc ta trồng tập trung và 27.500 héc ta trồng xen canh, trong đó chủ yếu trồng xen canh ở vùng Tây Nguyên, với khoảng 24.350 héc ta.
Song, cũng theo quyết định trên, quy hoạch đến năm 2030 phải dựa trên đánh giá hiệu quả của cây mắc-ca giai đoạn 2020, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương định hướng quy mô sản xuất cho từng địa phương cụ thể.
Về quy hoạch cơ sở chế biến mắc-ca, ngoài các cơ sở chế biến hiện có tại các địa phương, quyết định trên quy hoạch thêm 12 cơ sở chế biến mắc-ca có công suất từ 50-200 tấn/cơ sở tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Đến năm 2030, dự kiến có 30 cơ sở chế biến mắc-ca, trong đó Tây Nguyên là 20 cơ sở và Tây Bắc là 10 cơ sở.
Bộ NNPTNT cũng đưa ra các giải pháp thực hiện quy hoạch. Theo đó, về quản lý giống - vấn đề gây ra nhiều bức xúc đối với nông dân vì thời gian qua do nhu cầu mở rộng diện tích mắc-ca, nhiều giống trôi nổi trên thị trường không được kiểm soát khiến năng suất, chất lượng kém - Bộ xác định tiếp tục nhập nội, nghiên cứu, chọn tạo các dòng, giống mắc-ca mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các vùng sinh thái tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; đẩy nhanh các bước khảo nghiệm, công nhận giống; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở sản xuất kinh doanh giống…
Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng chặt các cây trồng lâu năm để chuyển sang trồng cây mắc-ca ở một số vùng khi mà thị trường đầu ra chưa rõ ràng. Theo nhiều chuyên gia, trước mắt, chỉ nên tập trung phát triển ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao, ưu tiên phát triển trồng xen với cà phê, chè.
Đồng thời, trước khi trồng trên diện rộng cần phải trả lời các câu hỏi: mắc ca Việt Nam có cạnh tranh được với mắc-ca các nước hay không? Nếu trồng thì cần làm rõ trồng ở đâu, trồng bao nhiêu, giống gì, trồng như thế nào và tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào? Liệu mắc-ca có hiệu quả hơn so với các cây đã có sẵn như cà phê, tiêu, chè hay không?
Ngay cả Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cũng thừa nhận, mắc-ca cũng là cây á nhiệt đới, mà vùng khí hậu á nhiệt đới trên thế giới rất nhiều chứ không chỉ riêng Việt Nam. Trong khi đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các nước khác về mắc-ca, mà cụ thể là Úc và Mỹ, những thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những nước đã sản xuất mắc-ca từ rất lâu.
Truyền thông thế giới đều nói tốt về mắc-ca, các số liệu thống kê cũng cho thấy nguồn cung mắc-ca ở nhiều nước đang tăng chóng mặt, có nơi trên 10%/năm. Trong khi đó, thông tin dự báo tin cậy về nhu cầu lại chưa rõ ràng.
Bình luận (0)