Ảnh: HỒNG THÚY
Không để tắc tín dụng
Theo nhóm chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (VEPR), hai vấn đề quan trọng nhất của chính sách tiền tệ năm 2013 nằm ở khả năng giải quyết nợ xấu và lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng. Những khó khăn này tồn đọng từ nhiều năm trước, gây áp lực lớn cho nền kinh tế.
Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử, cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng phải cầm cố thế chấp tài sản. Thế nhưng vẫn có ngân hàng đến hạn cũng chây ì không trả nợ khiến giao dịch trên thị trường 2 giảm dần. Lãi suất cũng giảm theo nhưng không phải do thanh khoản dồi dào mà do thị trường 2 tắc nghẽn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Tăng trưởng tín dụng cuối cùng đã vượt qua mức dự báo 5% của nhiều chuyên gia song con số này vẫn thấp hơn mục tiêu điều hành từ 1%-3%. Qua đó cho thấy diễn biến thực tế không khả quan như mong đợi.
Đáng lưu ý là năm 2012, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng liên tục từ đầu năm đến cuối năm, thông qua việc hạ lãi suất cơ bản 1% mỗi quý. Lần cắt giảm lãi suất cuối cùng được điều chỉnh ở mức cao hơn do lạm phát cuối năm giảm mạnh. Tính chung cả năm 2012, mặt bằng lãi suất cơ bản đã giảm 6% so với đầu năm. Do tín dụng tăng thấp, tình trạng ứ đọng thanh khoản trở nên tồi tệ hơn trong các tháng cuối năm.
Sắp xếp dứt điểm ngân hàng yếu kém
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, điểm yếu nhất của hệ thống ngân hàng năm qua là chậm xử lý ngân hàng yếu kém và chậm xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng yếu kém luôn rơi vào tình trạng đói thanh khoản nên phải vượt rào lãi suất. Chừng nào vấn đề của các ngân hàng yếu kém chưa được xử lý dứt điểm thì chừng đó vẫn còn gây khó khăn cho an toàn hệ thống ngân hàng.
Đối với nợ xấu, đến nay chúng ta chỉ mới xử lý bằng hai biện pháp cơ bản là dãn, hoãn và dùng dự phòng rủi ro. Nợ xấu càng lớn, chất lượng tài sản càng thấp, có thể làm cho cung ứng tín dụng tắc nghẽn, các ngân hàng thương mại nhỏ rơi vào tình trạng khốn đốn và lây lan sang cả hệ thống.
VEPR cũng cảnh báo thị trường liên ngân hàng trong nửa cuối năm 2012 dần mất đi tính hiệu quả, buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp mạnh tay vào thị trường mở nhằm điều tiết vốn giữa các ngân hàng. Sự chậm trễ trong quá trình tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại sẽ kéo dài tình trạng ứ đọng và đe dọa sự lành mạnh của hệ thống tài chính.
Từ thực tế đó, VEPR khuyến nghị: Cần quyết liệt xử lý nợ xấu thông qua việc thành lập công ty mua bán nợ tập trung hoặc trực tiếp bơm vốn cho hệ thống ngân hàng tự xử lý và cũng có thể phối hợp cả hai biện pháp trên. Ngoài ra, xử lý nợ xấu cũng sẽ gắn với việc sắp xếp dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém đang là nhân tố gây bất ổn thanh khoản của hệ thống.
Bình luận (0)