Dạo một vòng các huyện ở TP HCM như: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... những ngày gần đây, tình hình mua bán nhà đất khác hẳn vài tháng trước. Biển treo bán đất, bán nhà vẫn dày đặc nhưng giao dịch đã giảm hẳn, lượng người hỏi mua cũng thưa thớt.
Cò tung tin, thổi giá là một trong những nguyên nhân gây ra sốt đất ở TP HCM thời gian qua Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Nguyễn Thị Thanh, một người chuyên mua đi bán lại bất động sản (BĐS) ở khu ngoại thành thời gian qua, nhớ lại: "Cách đây chừng 6-7 tuần, cuối tuần mà xách xe ra mấy tuyến đường nội xã ở Bình Chánh, Hóc Môn..., tôi thấy cò đất nhan nhản, nay thì đã im ắng. Chỉ lác đác vài cò lỡ ôm đất giá cao, không nhả ra kịp vẫn chịu khó dắt khách đi coi nhưng hầu như không có giao dịch".
Bà Thanh cho biết nếu 5 tuần trước, bà tiếc đứt ruột vì "ôm" hụt miếng đất 1.000 m2 giá 4,5 tỉ đồng ở gần kênh Trung Ương thuộc huyện xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh thì nay lại thấy mình may mắn. "Lúc đó, chủ đất nhất quyết đòi 4,5 tỉ đồng, tôi trả 4 tỉ đồng. Hai giờ sau, tôi quay lại thì chủ đất đã bán cho người khác giá 5 tỉ đồng. Từ đó đến nay, chủ đất mới kêu bán mà chưa thấy ai hỏi mua" - bà Thanh kể.
Một miếng đất khác rộng 1.600 m2 ở mặt tiền đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh), tháng trước khách trả 20 tỉ đồng nhưng bà Thanh không muốn bán. Vậy mà mấy ngày nay, bà rao 15 tỉ đồng nhưng không ai trả giá hay gọi điện hỏi thăm như vài tuần trước.
Tại huyện Hóc Môn, một số người dân xung quanh xã Xuân Thới Thượng khẳng định nhiều người làm cò bất đắc dĩ đã không còn nôn nao chạy kiếm khách hàng, không còn chộn rộn coi đất, bán nhà như vài tháng trước. Một người dân ở đây cho biết vài tuần trước, cò đất cứ dập dìu. "Miếng đất kế bên nhà tôi, vài tháng trước, một người đến mua với giá 1,6 tỉ đồng, sau đó kêu bán 2,3 tỉ đồng. Cò dẫn khách đi xem năm lần bảy lượt nhưng chị chưa chịu bán. Nay thì không còn ai đến trả giá nữa" - chị cho biết.
Thực tế, khi giá đất vùng ven tăng vọt và mua bán hết sức nhộn nhịp thì nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng giá "ảo". Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản đề nghị UBND TP công bố rõ có hay không chủ trương chuyển đổi các huyện Bình Chánh, Hóc Môn thành quận hoặc thành lập tổ chức hành chính trong thành phố ở khu Đông, khu Nam, khu Tây... HoREA cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương trình các dự án đầu tư "Đại lộ ven sông Sài Gòn", "Thành phố mới Củ Chi" hay "Thành phố ven biển (Marina City) Cần Giờ"... để được xét duyệt theo quy định; sớm công bố kết quả để người dân hiểu rõ thông tin, ngăn ngừa giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá.
Ngay sau đó, trong cuộc họp bàn về tình hình sốt đất ở TP HCM mới đây, lãnh đạo TP đã phân tích về các nguyên nhân làm giá đất tăng thời gian qua. Trong đó, có việc cò đất lợi dụng các thông tin về hành chính, đầu tư xây dựng hạ tầng... để thổi giá lên thành các cơn sốt.
Để chấm dứt giá đất "ảo" trên thị trường, lãnh đạo TP HCM đã thông tin nhiều dự án về đầu tư hạ tầng mới chỉ là những ý tưởng hoặc đã bị từ chối. Chẳng hạn, dự án xây cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ chỉ là chủ trương của Chính phủ; dự án Marina City đã bị từ chối. Riêng dự án đường trên cao từ Củ Chi về trung tâm TP HCM cũng chỉ mới là ý tưởng của một doanh nghiệp, chưa có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn cũng chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để lên quận như lời đồn thổi của cò đất.
Để tránh lặp lại tình trạng này, sắp tới, TP HCM sẽ công khai kế hoạch sử dụng đất của các quận - huyện để người dân hiểu một cách chính xác nhất. Đồng thời, thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện tăng cường quản lý, không để phân lô bán nền tự phát; đề nghị công an các quận - huyện bám sát tình hình để xử lý các trường hợp cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá để trục lợi.
Ý KIẾN
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
Kiểm soát đầu nậu, cò đất tự phát
UBND TP HCM cần sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định 33 - quy định về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa ra riêng nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới cơn sốt giá "ảo" đất nền như trong thời gian qua, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị và tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản (BĐS).
Đồng thời, UBND TP HCM cũng cần chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh BĐS của giới đầu nậu, cò đất. Nhiều người hiện hoạt động với tư cách cá nhân, không đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng chủ đất hoặc doanh nghiệp để kinh doanh BĐS với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế. Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014 thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh BĐS, phải đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định.
TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia tài chính:
Quy hoạch đất vùng ven phải rõ ràng
Một lý do dễ làm cho BĐS vùng ven tăng giá là đất nông nghiệp quy hoạch chưa rõ ràng nên nó tăng, giảm thất thường theo nhu cầu của thị trường. Có thể nói, vai trò của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc giữ ổn định thị trường BĐS thời gian qua chưa tốt, gây tổn hại lớn cho những người tham gia.
Thực tế, thị trường đất riêng lẻ, nhà phố, liên kế nhu cầu rất lớn nhưng chưa được chuẩn hóa và không quản lý được. Ở Mỹ, họ có các nhà môi giới BĐS có thể quản lý giá, định giá và đưa thông tin chính xác cho người mua. Trong khi đó, Việt Nam còn bỏ ngỏ. Các doanh nghiệp BĐS chỉ quan tâm đến căn hộ và dự án của họ.
Tuy nhiên, xét về mặt nào đó, người mua bán đất nền sổ đỏ thì lời, lỗ họ tự chịu trách nhiệm, không xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện như mua dự án. Thực tế, nhiều người thà mua miếng đất dù có hạ giá thì tài sản vẫn còn đó, hơn là mua căn hộ đóng tiền xong 10 năm sau chưa thấy nhà đâu.
Ông TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa:
Người mua cần thận trọng, cảnh giác
Thị trường đất nền vùng ven đã giảm nhiệt trong 1-2 tuần vừa qua là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, nhà đầu tư chủ yếu mua bán đất theo tin đồn trong khi những dự án chỉ mới xin chủ trương nghiên cứu khả khi.
Thiết nghĩ, để tình trạng này không xảy ra nữa, cơ quan quản lý nên có quy hoạch và công bố từ 5-10 năm trước. Những khu vực này cần có sự tham gia của nhà nước và doanh nghiệp, không nên để doanh nghiệp làm một mình. Bởi lẽ, năng lực của họ vô chừng, dễ làm ảnh hưởng đến dự án. Riêng việc có quy hoạch hay không, nhà nước cần công bố rõ ràng và nhanh chóng, không nên lấp lửng khiến người dân xôn xao, đồn đoán để giới cò lợi dụng, đẩy giá.
Người mua đất phải hết sức thận trọng bởi từ tin đồn đến thực tế phải mất đến 3-5 năm chứ không phải một vài tháng. Một khi thông tin chưa chắc có hay không mà chấp nhận mua đuổi giá như vậy thì dòng vốn sẽ bị "chôn" vài năm nếu không "lướt" kịp. Tiền dành cho đầu tư đất vùng ven chỉ phù hợp cho những ai có vốn nhàn rỗi hoặc chấp nhận đầu tư trung, dài hạn. Vì vậy, những người vốn ít, muốn "lướt sóng" phải hết sức cảnh giác.
P.Đình ghi
Bình luận (0)