Cụ thể, khoản nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tại thời điểm ngày 30-6-2018 là 1.905 tỉ đồng, bao gồm dư nợ gốc hơn 939 tỉ đồng và dư nợ lãi hơn 966 tỉ đồng. Tổng dư nợ này bao gồm các khoản nợ của 92 khách hàng cá nhân.
Đồng thời, khoản nợ tại BIDV tại thời điểm 30-6-2018 là 473 tỉ đồng, bao gồm dư nợ gốc 269 tỉ đồng và dư nợ lãi hơn 204 tỉ đồng. Dư nợ trên bao gồm các khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 3 khách hàng cá nhân.
Tài sản đấu giá lần này gồm khu đất có diện tích 275m2 nằm trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), đây cũng là trụ sở chính của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Ngoài ra, còn 2 khu đất tại huyện Bình Chánh (TP HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thuận Thảo (GTT) thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn).
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu GTT trên thị trường chỉ còn 300 đồng/cổ phiếu.
Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn
Giá khởi điểm đấu giá được VAMC đưa ra là 1.208 tỉ đồng. Phương thức đấu giá sẽ thực hiện là bỏ phiếu gián tiếp, kết quả thông báo vào ngày 24-8.
Trước đó, đầu tháng 5, BIDV đã thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ này, đồng thời đề nghị VAMC điều chỉnh giá khởi điểm rao bán khoản nợ từ 845 tỉ đồng lên 1.208 tỉ đồng.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh thành lập từ năm 2004. Bà Thanh là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng, từng xây dựng doanh nghiệp thành công ty vận tải hành khách nghìn tỉ ở Phú Yên trước khi hoạt động kinh doanh thua lỗ sau thời gian đầu tư vào bất động sản...
Trước đó, VAMC cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản cho Công trình cao ốc phức hợp và quyền khai thác công trình thuộc Dự án đầu tư cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM). Giá khởi điểm dự kiến lên tới 6.110 tỉ đồng.
Dự án này (bao gồm cả tòa tháp Sài Gòn One Tower) có tổng dư nợ gốc và lãi vay lên đến 7.000 tỉ đồng. Đây là khoản nợ đầu tiên được VAMC tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Việc rao bán, đấu giá các khoản nợ lớn nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các ngân hàng thương mại là cần thiết, bởi một số tài sản bảo đảm để càng lâu sẽ giảm bớt giá trị. Trong bối cảnh thị trường bất động sản ấm lên, việc xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản sẽ thuận lợi hơn.
Nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản được đem bán đấu giá sẽ giúp thị trường phát triển hơn. Ảnh: NLĐ
Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng cho rằng trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở; kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố, và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản được đem bán đấu giá, xử lý để thu hồi nợ xấu sẽ giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn.
Bình luận (0)