Đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị nông sản Việt sẽ là động lực thay đổi nền sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thế giới, không phải lo cảnh “được mùa mất giá”.
Nhà vườn và doanh nghiệp liên kết
Xuất khẩu sang Mỹ không khó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Đức (chủ vườn nhãn Ido 13.000 m2 ở xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) khi chúng tôi ghé thăm. Theo ông, hiện nhãn Ido (giống nhập từ nước ngoài) rất được ưa chuộng, giá bán từ 30.000-32.000 đồng/kg cho thị trường TP HCM và cao hơn 2.000 - 3.000 đồng nếu đưa đi Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu.
Mỗi năm, ông thu lãi từ vườn nhãn khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ trong nước, khách hàng nước ngoài cũng ăn nhãn Ido khá mạnh. Do đó, ông tham gia tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng thị trường và đang chờ cấp chứng nhận. Thấy có lợi, doanh nghiệp (DN) xuất hàng sang Mỹ cũng đến đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật. Nhờ vậy, vườn nhãn của ông đã được phía Mỹ cấp mã số (code) đủ chuẩn xuất khẩu sang thị trường này.
“Mỹ rất quan tâm đến lý lịch hàng hóa nên mình phải ghi nhật ký canh tác, còn chăm sóc vẫn làm bình thường như trước đây. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng theo hướng dẫn và phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly trước khi thu hoạch” - ông Đức đúc kết.
Nhãn Việt được nhập khẩu vào Mỹ từ tháng 12-2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có sự tăng trưởng vượt bậc với 757 tấn nhãn (tăng 588% so với cùng kỳ năm 2015) xuất sang thị trường này nên các DN đang tích cực mở rộng vùng nguyên liệu.
Với ông Trần Văn Lợt, chủ vườn chôm chôm được cấp mã số xuất sang Mỹ ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, thì ngoài yêu cầu về canh tác an toàn, thị trường Mỹ còn đòi hỏi khắt khe về hình thức, kích cỡ sản phẩm. Nếu đáp đứng, chôm chôm Việt sẽ xuất được giá cao. “Việc đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường giúp nông sản Việt nâng cao hiệu quả, tránh bị động khi thu hoạch rộ” - ông Lợt nói.
Thấy cơ quan chức năng đàm phán với Mỹ để mở cửa cho trái xoài Việt Nam, DN có vùng nguyên liệu đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng. Giám đốc một công ty nông sản ở Trà Vinh (đang xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc sang châu Âu) nhận định trái xoài có cơ hội rất lớn ở thị trường Mỹ nên nhiều DN tập trung cho nông sản này.
Tiềm năng lớn
Ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), DN xuất khẩu trái cây đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… - cho biết ông hiện có 2 nhà máy đóng gói, một nhà máy xử lý hơi nước nóng, đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy chiếu xạ để nâng cao năng lực xuất khẩu. Việt Nam mới có nhà máy Sơn Sơn (TP HCM) được Mỹ cấp mã số chiếu xạ trái cây, phía Bắc cũng có một nhà máy chiếu xạ nhưng trước mắt chỉ phục vụ cho thị trường Úc.
Là nhà phân phối trái cây sang các thị trường khó tính nhiều năm qua, Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đang xây dựng một nhà máy sơ chế và kho lạnh rộng đến 3.600 m2, dự kiến hoạt động vào năm sau để đáp ứng đơn hàng ngày càng nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết tiềm năng từ thị trường Mỹ còn rất lớn do trái cây Việt phần lớn chỉ tiêu thụ trong cộng đồng người châu Á. Sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải đã được phép; vú sữa và xoài đang đàm phán, các loại cây có múi như bưởi, cam của Việt Nam cũng sẽ có thế mạnh nếu vào được thị trường Mỹ.
Trong chuyến kiểm tra thường niên hoạt động xuất khẩu trái cây tại Việt Nam mới đây của phái đoàn Bộ Nông nghiệp Mỹ, các thành viên trong đoàn đã hết lời khen ngợi chất lượng trái cây của Việt Nam. Một thành viên trong đoàn cho biết khi được phép xuất sang Mỹ, đại sứ quán nhiều nước mở cửa mời khách hàng bản địa đến thưởng thức trái cây để tiếp thị.
Thanh long dẫn đầu xuất ngoại
Trong tổng số 4.608 tấn trái cây tươi Việt Nam xuất sang các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Úc) trong 6 tháng đầu năm, thanh long chiếm đến hơn 72%. Trong thời gian tới, dự báo thanh long xuất sang các thị trường cao cấp sẽ còn tăng mạnh khi Đài Loan mở cửa trở lại cho loại trái cây này. Thị trường có khả năng nhập khẩu thanh long của Việt Nam từ 14.000 - 16.000 tấn/năm. Cách đây 6 năm, Việt Nam đã xuất thanh long sang đây từ 13.000 - 14.000 tấn/năm.
Theo ông Chu Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (đơn vị phụ trách mở cửa thị trường khó tính), yếu tố giúp thanh long trở thành “vua trái cây xuất ngoại” là nhờ bảo quản được đến 40 ngày nên có thể vận chuyển bằng đường biển (21 ngày) với chi phí thấp. Trong khi đó, chôm chôm, nhãn, vải tươi không bảo quản được lâu, gây khó cho các nhà bán lẻ. Hiện cước vận chuyển trái cây bằng đường hàng không là 3,6 USD/kg (đường biển 0,2-0,3 USD/kg) khiến chi phí nhiều loại trái cây Việt sang Mỹ cao, hạn chế sức cạnh tranh.
Bình luận (0)