Từ số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Rau quả Việt Nam tính toán sơ bộ trong tháng 10, nhập khẩu rau quả Việt Nam ước đạt gần 130,7 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 10 tháng 2021, giá trị nhập khẩu rau quả Việt Nam ước đạt 1,201 tỉ USD, tăng 14,7 % so với cùng kỳ 2020.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chi tiết trong 9 tháng, Trung Quốc là nguồn cung rau quả lớn nhất cho Việt Nam, chiếm đến gần 30% thị phần, tương đương 317,4 triệu USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bắp cải Trung Quốc (trên xe) đóng gói chuyên nghiệp bên cạnh nông sản Việt Nam đóng túi đơn giản - Ảnh: Ngọc Ánh
Mỹ đứng thứ hai với gần 223,5 triệu USD, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Thái Lan từng nhiều năm đứng vị trí số 1 về cung cấp rau quả cho Việt Nam nhưng nay đã rớt xuống vị trí thứ 7 với giá trị nhập khẩu chỉ gần 31 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về việc gia tăng mạnh mẽ của rau quả Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay trong thời gian các tỉnh miền Nam và TP HCM thực hiện giãn cách để chống dịch Covid-19, nông sản Việt Nam gặp khó trong thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Táo Trung Quốc bán lề đường tại TP HCM trong tháng 10-2021 - Ảnh: Ngọc Ánh
"Trong khi đó, phía Trung Quốc gần như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên sản xuất, thu hoạch nông sản vẫn bình thường. Việc chuyển một container rau quả từ biên giới Trung Quốc ở thời điểm này về Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc, miền Trung, thậm chí là TP HCM dễ dàng hơn việc gom hàng từ các vườn miền Tây hay Lâm Đồng đi các tỉnh. Đối với rau quả, Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc nên hàng Trung Quốc tận dụng xe tải trống ở chiều về (ví dụ xe chở thanh long lên biên giới - PV) với cước phí rẻ nên giá cà rốt, bắp cải, khoai tây, táo,… Trung Quốc tại Việt Nam rất rẻ." – ông Nguyên phân tích.
Bình luận (0)