Chị Hoa, nhân viên kinh doanh của một ngân hàng nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM, cho biết khoảng vài ngày là chị cùng nhóm bạn chung cơ quan điện thoại đến cửa hàng rau sạch có địa chỉ ở quận 3, đặt mua các loại rau, củ, quả cần thiết, vừa tiện lợi vừa bảo đảm an toàn dù giá có cao hơn chút ít so với ngoài chợ. Xu hướng này đang thu hút các bà nội trợ.
Yên tâm khi sử dụng
Hiện tại, giá rau sạch bán tại Dalat G.A.P Store cao hơn 50%-70% so với rau ngoài chợ. Bắp cải tím có giá 42.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 42.000 đồng/kg, cà rốt 42.000 đồng/kg, cải thìa 33.000 đồng/kg, rau dền 29.000 đồng/kg... Ông Nguyễn Hải Bình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm sạch Dalat G.A.P, cho biết doanh nghiệp của ông là đơn vị đầu tiên đạt chứng nhận GlobalGAP (bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Phần lớn sản phẩm của công ty xuất đi Nhật nên tiêu chuẩn rất cao. Sản phẩm hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học…
Còn bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Mùa, đơn vị chủ cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica (130 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM), cho biết dù mới mở cửa nhưng sản phẩm của cửa hàng rất hút khách, trong đó có nhiều khách hàng là người nước ngoài, rất xem trọng về chất lượng sản phẩm. Theo bà Thảo, tất cả sản phẩm tại Organica đều sản xuất theo phương pháp hữu cơ (yêu cầu khắt khe hơn cả GlobalGAP và VietGAP) và được cấp chứng nhận bởi những tổ chức quốc tế. Tại đây, hiện có bán nhiều mặt hàng từ rau, củ, quả tươi đến gạo, trà, cà phê hay tinh dầu... Tất cả được cung cấp bởi các đơn vị trong nước hoặc nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Mỹ, Úc. “Tiềm năng của thị trường rau hữu cơ trong thời gian tới còn rất lớn, vì vậy công ty sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng cả về chủng loại mặt hàng và hệ thống” - bà Thảo nói.
Phải truy nguồn gốc
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thỏ Việt (huyện Củ Chi, TP HCM), đơn vị đạt chứng nhận rau an toàn VietGAP, cho biết từ đầu năm đến nay, sản lượng rau an toàn của HTX cung cấp ra thị trường tăng 100% so với trước. Hiện mỗi ngày HTX đưa ra thị trường 27-28 tấn rau củ quả khác nhau. “Trước đây, sản phẩm của HTX chỉ cung cấp cho siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích thì nay đã ra đến chợ đầu mối. Do giá bán rau an toàn cao hơn rau thường và xu hướng người tiêu dùng chuộng hàng chất lượng nên sản phẩm rất dễ bị làm nhái. Để chống hàng giả, các loại hàng xá của Thỏ Việt cũng phải buộc dây có in logo của Thỏ Việt để người tiêu dùng nhận biết” - bà Ngọc nói.
TS Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng người tiêu dùng có quyền yêu cầu nơi bán cung cấp thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ. Một vấn đề cần giải quyết là làm sao giúp người tiêu dùng nhận dạng được nguồn gốc, xuất xứ an toàn và chưa an toàn thông qua nhiều cách nhưng trước hết là nhận diện qua nhãn hiệu. Tuy nhiên, đã có nhãn hiệu thì sẽ có hiện tượng làm giả. “Để chống hàng giả, cơ quan chức năng là ngành nông nghiệp, công thương, lực lượng quản lý thị trường và người tham gia sản xuất phải tích cực kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng cao nhất” - TS Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.
Giả rau “hữu cơ” Mới đây tại Hà Nội, hệ thống các cửa hàng bán lẻ mang tên Mr. Sạch thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Quốc tế Victory Asian đã bị đình chỉ tư cách thành viên PGS (hệ thống có sự tham gia của các bên liên quan vào việc bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương) trong vòng 1 năm do công ty này có những vi phạm như ghi nhãn “Thực phẩm hữu cơ” cho tất cả sản phẩm không phải là hữu cơ; lấy rau thông thường từ tỉnh Hà Nam đưa vào bao bì có in nhãn “hữu cơ” cùng logo PGS của liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân và Lương Sơn để bán như rau hữu cơ... Đại diện Ban Điều phối PGS cho rằng đây là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh nói chung và làm ảnh hưởng đến uy tín, tính minh bạch của toàn bộ hệ thống PGS hữu cơ nói riêng. |
Bình luận (0)