Lãnh đạo DN giải thích đây là thời gian tối đa, áp dụng cho cả khách hàng ở tỉnh, còn thực tế DN sẽ cố gắng giao hàng sớm hơn. “Các website khác đưa ra thời gian ngắn hơn nhưng có thể họ sẽ không giữ được cam kết, còn chúng tôi khi đã nói ra là chắc chắn thực hiện được!”- vị này nhấn mạnh. Giải đáp này không mang lại sự hài lòng vì thực tế bán hàng qua mạng ở Việt Nam dù mới mẻ nhưng không đến nỗi tệ như vậy. Nhất là trong khu vực nội thành, thường chỉ 2-3 ngày sau khi đặt hàng là được giao. Tham khảo bảng giá dịch vụ tại các công ty giao nhận chuyên nghiệp, chúng tôi mới biết giá cước giao hàng nhanh (giao trong ngày hoặc ngày hôm sau) có thể đắt gấp đôi giao hàng tiết kiệm (2 - 3 ngày sau). Vì thế, với cam kết “giao hàng chậm”, DN đã có thể tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ.
Tổng giám đốc một DN thương mại điện tử lớn và giám đốc một DN giao nhận ở TP HCM đều giật mình khi nghe con số “6 ngày giao hàng” của DN nọ. Họ cho biết hầu hết các khách hàng đều rất hào hứng tại thời điểm mua sắm trên mạng nhưng khi chờ quá lâu họ sẵn sàng hủy đơn hàng đã đặt để tìm đến một nhà cung cấp khác. Thậm chí, họ có thể ngoài để mua ngay sản phẩm mà mình mong muốn để sử dụng dù mức giá có thể cao hơn đôi chút. Với phương thức thanh toán nhận hàng - trả tiền, rất ít khi trả tiền trước thì khách hàng chẳng có thiệt hại gì khi hủy đơn hàng đã đặt.
Kinh nghiệm cho thấy tỉ lệ khách hàng từ chối mua hàng tỉ lệ thuận với thời gian giao hàng đơn giản chỉ vì họ không còn thích món hàng đó nữa. Có thể thấy một ví dụ hết sức gần gũi tại các siêu thị. Khi các quầy thanh toán bị quá tải, nhiều khách hàng đã “bỏ của chạy lấy người” vì không chịu được cảnh phải xếp hàng chờ đợi. Thế mới thấy thời gian với DN và người tiêu dùng quý báu thế nào. Để khách hàng ra đi ngay trước “cửa thiên đường” là điều mà chẳng nhà kinh doanh nào mong muốn. Nhưng dường như một số nhà bán lẻ hiện nay chỉ tập trung vào giá rẻ và rẻ hơn nữa mà quên đi yếu tố thời gian phục vụ cũng quan trọng không kém.
Bình luận (0)