xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sabeco đã thuộc về nước ngoài

Sơn Nhung

Để sở hữu 53,59% cổ phần Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (mã chứng khoán SAB), Công ty TNHH Vietnam Beverage đã chi khoảng 104.000 tỉ đồng

Phiên chào bán cạnh tranh hơn 343,6 triệu cổ phần của Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ, vào chiều 18-12 đã thành công.

Một nhà đầu tư là tổ chức trong nước và một nhà đầu tư là cá nhân đã đăng ký mua toàn bộ số vốn trên với giá bình quân 320.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị giao dịch thành công hơn 109.972 tỉ đồng. Trong đó, tổ chức duy nhất tham gia mua và trúng giá 343.662.587 cổ phần là Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá 320.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư cá nhân duy nhất đặt mua thành công 20.000 cổ phần với giá trúng 320.500 đồng/cổ phần là ông Ngô Vinh Hiển (Hà Nội).

Sabeco đã thuộc về nước ngoài - Ảnh 1.

Các bên liên quan làm thủ tục trước khi cơ quan chức năng công bố kết quả chào bán cạnh tranh

cổ phần của Sabeco Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Công ty TNHH Vietnam Beverage mới thành lập vào tháng 10-2017 tại Việt Nam, trụ sở tại Hà Nội, với 2 nhân viên và vốn điều lệ 681,6 tỉ đồng; được sở hữu 100% bởi Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Trong đó, 49% vốn của F&B Alliance Việt Nam nằm trong tay một công ty đầu tư nước ngoài có tên BeerCo Ltd. Còn BeerCo Ltd lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage do tỉ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền chi phối.

Để sở hữu 53,59% cổ phần Sabeco lần này, Vietnam Beverage đã chi khoảng 104.000 tỉ đồng.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, đánh giá kết quả đấu giá cổ phần của Sabeco lần này là thành công. Bởi giá khởi điểm đưa ra 320.000 đồng/cổ phần đã được các nhà đầu tư mua hết, trong khi giá đóng cửa cùng ngày trên thị trường chứng khoán của Sabeco (SAB) chỉ khoảng 309.000 đồng/cổ phiếu. Còn mức giá trung bình 60 phiên trước khi tổ chức đấu giá thì thấp hơn nhiều. Chỉ tính mức chênh lệch này, nhà nước đã thu về khoảng 3.700 tỉ đồng.

Về pháp nhân của Vietnam Beverage, ông Trương Thanh Hoài cho rằng Việt Nam đã hội nhập nên chúng ta cũng theo thông lệ quốc tế, những đơn vị nào đăng ký kinh doanh theo quy định của nhà nước thì sẽ được chào mua hợp pháp. Vietnam Beverage được thành lập bởi 49% vốn cổ đông nước ngoài thì đương nhiên là doanh nghiệp Việt Nam. Việc góp vốn thành lập công ty này phù hợp với cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Trước đó, Công ty TNHH Vietnam Beverage chỉ đăng ký mua hơn 51% cổ phần của Sabeco nhưng đến tối 17-12, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM mới công bố đơn vị này đã nâng tỉ lệ đăng ký chào mua công khai lên hơn 53%.

Về sự thay đổi này, theo ông Hoài, lẽ ra quy định quá trình chào mua chỉ diễn ra trong ngày làm việc. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo mở rộng, kéo dài thời gian đăng ký, rút cọc trong quá trình chào bán Sabeco đến hết chủ nhật (17-12). Điều này cho thấy Bộ Công Thương muốn tạo điều kiện tối đa để tất cả nhà đầu tư có thể tham gia đấu giá cạnh tranh. "Sau khi nhà đầu tư mới mua cổ phần, nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối ở Sabeco. Việc bầu HĐQT, giám đốc mới sẽ phụ thuộc vào đại hội cổ đông sắp tới. Tuy nhiên, chủ trương chung là mong muốn các nhà đầu tư mới phối hợp với đại diện bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco cùng nhau cải thiện, nâng cấp hệ thống quản trị của doanh nghiệp này. Tôi tin rằng với mức giá đã mua, họ sẽ cùng nâng Sabeco lên tầm cao mới" - ông Hoài kỳ vọng.

Về thắc mắc vì sao chỉ có 1 nhà đầu tư tổ chức trong nước nhưng "hậu thuẫn" là tỉ phú Thái tham gia đấu giá, ông Hoài nhìn nhận tất cả nhà đầu tư được công bằng như nhau, thể hiện rõ trong quy chế. Bộ Công Thương không đưa ra bất cứ điều gì nhằm hạn chế nhà đầu tư. Sabeco đã niêm yết trên sàn, mọi thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh đều minh bạch, quy chế chào bán cạnh tranh cũng không nhằm vào nhà đầu tư nào nên tất cả đều có cơ hội như nhau.

Cũng do "yêu thích" Sabeco, ông Ngô Vinh Hiển đã đăng ký chào mua 20.000 cổ phần và đã trúng là 320.500 đồng/cổ phần, cao hơn giá SAB đang giao dịch trên sàn là 309.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, việc đấu giá thành công này, ông Hiển đã mua cao hơn thị trường 267 triệu đồng nhưng ông bày tỏ hài lòng, cũng như tin tưởng mã cổ phiếu SAB sẽ tăng giá trong thời gian tới sau khi có cổ đông lớn tham gia. 

SAB đứng giá

Dòng tiền chảy ồ ạt vào thị trường, đặc biệt nhắm vào các mã cổ phiếu lớn, kéo cả 2 chỉ số tăng cao trong phiên giao dịch đầu tuần. Theo đó, VN-Index tăng 22,9 điểm, tương ứng 2,45% lên 958,06 điểm. HNX-Index tăng 2,1 điểm, tương ứng 1,88%, lên 113,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch cả 2 sàn đạt gần 309 triệu cổ phiếu, trị giá trên 6.200 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận gần 900 tỉ đồng.

Trong khi nhiều cổ phiếu tăng, SAB (Sabeco) lại đứng tại mức giá tham chiếu 309.200 đồng, dù giá đấu thành công của Sabeco lên tới 320.000 đồng/cổ phần.

V.VINH

Lợi cả thương hiệu và giá trị?

Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, nhìn nhận đây là cuộc đấu giá thành công bởi nhà nước bán được với giá kịch trần. "Người Thái mua là mua cả thương hiệu chứ không phải mua nhà máy, nếu cần nhà máy thì họ có thể đầu tư chứ không cần đến Sabeco. Như vậy, với thương vụ này, nhà nước thu được tiền, còn công ty có khả năng phát triển thương hiệu của mình, không chỉ ở Việt Nam mà ra ngoài thị trường thế giới" - ông Dũng nhận định.

Ông Dũng nhận định đây là nhà đầu tư trong ngành bia, họ hướng tới chăm chút cho thương hiệu chứ không phải quỹ tài chính mua đi bán lại. Như vậy, lợi cả về thương hiệu lẫn giá trị thu về cho nhà nước. Nhà đầu tư khi đã mua thì tính đến lợi nhuận họ sẽ thu được trong tương lai. Tức là nhà đầu tư này không phân vân về vấn đề lợi nhuận đang được chia từ Sabeco so với mức giá mua khá cao mà họ nhìn thấy những khả năng phát triển, cũng như dư địa thị trường lớn để đầu tư.

Còn về vấn đề người Thái có thể đưa sản phẩm của họ vào hệ thống phân phối mà người Việt dày công xây dựng, ông Dũng cho rằng thực tế, người Thái đã đưa bia của họ vào thị trường Việt Nam rồi. Vấn đề là người Việt tiếp nhận các sản phẩm đó như thế nào. "Khả năng họ đưa thêm bia Thái vào thị trường trong nước là có nhưng ngược lại, bia Việt Nam cũng có cơ hội lớn hơn được đưa ra thị trường Đông Nam Á" - ông Dũng dự đoán.

Về tiềm năng thị trường bia Việt Nam, ông Dũng đánh giá mặt hàng bia mới được tiêu thụ chủ yếu ở các đô thị, còn bỏ trống thị trường nông thôn. Khi kinh tế phát triển hơn, thị trường nông thôn sẽ tiêu thụ bia tốt hơn. Đây còn là lý do đại gia nước ngoài luôn nhòm ngó thị trường bia Việt.

T.DƯƠNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo