Theo đó, tháng 8-2018, ông Nguyễn Minh Trí (đại diện quản lý vốn góp của Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa) đã trình bày nguyện vọng cá nhân, gửi Hội đồng quản trị (HĐQT) Saigonbank xin được nghỉ việc và thôi không tham gia HĐQT.
Cuối tháng 11-2018, việc ông Trí xin nghỉ việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cũng tôn trọng nguyện vọng của ông Trí, chấp thuận thôi cử ông làm đại diện quản lý vốn góp của công ty tại Saigonbank. Như vậy, căn cứ theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 35 Luật Các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Minh Trí đương nhiên không còn thành viên HĐQT Saigonbank.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Saigonbank khẳng định ông Nguyễn Minh Trí nghỉ việc không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Tập thể ban lãnh đạo Saigonbank luôn thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao trong công tác quản lý, điều hành.
Mặt khác, để đảm bảo số lượng nhân sự cấp cao theo đúng quy định, ngày 26-11, Saigonbank đã gửi văn bản lấy ý kiến cổ đông về số lượng thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới. Dự kiến cuối tháng 12-2018, Saigonbank sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu nhân sự HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023.
Đề cập đến hoạt động kinh doanh, lãnh đạo Saigonbank cho biết năm 2018, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng là tập trung triển khai, thực hiện Phương án cơ cấu lại, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phương án đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua, giao HĐQT Saigonbank phê duyệt).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Saigonbank trong năm 2018 là tái cơ cấu gắn liền xử lý nợ xấu
Thực tế cho thấy, tính đến hết tháng 10-2018, con số nợ xấu của Saigonbank là 889 tỉ đồng, chiếm 6,39% tổng dư nợ. Tuy nợ xấu có tăng lên nhưng nguyên nhân không phát xuất từ hoạt động tín dụng. Bởi lẻ, từ đầu năm 2018 đến nay, Saigonbank đã chủ động, tích cực rà soát, đánh giá lại toàn bộ khoản nợ hiện tại, phân loại, hạch toán trung thực phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ để có giải pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với từng khoản nợ, từng khách hàng làm cho tỉ lệ nợ xấu đi lên.
Theo Saigonbank, do ngân hàng phải đánh giá, phân loại lại nợ xấu nên con số trích lập dự phòng đến nay cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng số quỹ dự phòng rủi ro của Saigonbank là 730 tỉ đồng, chiếm hơn 82% con số nợ xấu là một tỉ lệ tương đối lớn. Tuy nhiên, việc tăng thêm dự phòng rủi ro cũng là tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn.
"Các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo nên ngân hàng không lo mất vốn mà cần có thời gian để xử lý theo lộ trình phù hợp. Sau khi xử lý nợ xấu, ngân hàng sẽ có thêm thu nhập. Như vậy, dù nợ xấu hiện lớn hơn 3% nhưng ban lãnh đạo ngân hàng đã và đang triển khai các biện pháp cụ thể, khả thi để kiểm soát, kéo giảm tỉ lệ nợ xấu theo quy định, đảm bảo an toàn hoạt đồng" - lãnh đạo Saigonbank khẳng định.
Bình luận (0)