Hôm nay (5-12), Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tổ chức đón hành khách thứ 25 triệu trên chuyến bay của Vietnam Airlines, vượt công suất thiết kế dự kiến đến năm 2020. Sản lượng khai thác vượt công suất khiến sân bay Tân Sơn Nhất đang phải nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.
Bớt loa, nâng cấp WiFi...
Ghi nhận chiều 4-12, khu vực ga đi quốc nội trong sân bay Tân Sơn Nhất khá yên tĩnh, không còn loa thông báo phát đi liên tục, nhà vệ sinh sạch sẽ hơn và một số thùng rác được trang bị thêm, có cả quầy sạc pin điện thoại miễn phí... Quầy thông tin và hộp thư góp ý cũng được bố trí ở vị trí dễ quan sát, nhân viên sân bay liên tục hướng dẫn hành khách có nhu cầu. Một số hành khách truy cập internet qua WiFi tại sân bay cho biết tốc độ nhanh, không chập chờn như trước.
Bà Lê Thị Thuận (ngụ tỉnh Kiên Giang) vừa đáp chuyến bay từ Côn Đảo về TP HCM đang chờ người nhà đón, cho biết do đặc thù công việc nên mỗi tháng bà đều đi/về qua sân bay Tân Sơn Nhất. “Cơ sở vật chất của sân bay hiện đã được cải thiện nhiều, nhà vệ sinh sạch sẽ hơn những nơi tôi từng đi qua như Malaysia, Trung Quốc... Thái độ của nhân viên phục vụ cũng tốt hơn trước” - bà Thuận nhận xét.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải cho biết một số khu vực nhà ga nội địa, khu vực bay có tình trạng quá tải trong các khung giờ cao điểm và thiếu sân cho máy bay đỗ lại qua đêm (mỗi ngày có khoảng 500 chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất nhưng hiện chỉ có 41 vị trí đậu - PV), điều này góp phần hạn chế chất lượng dịch vụ.
“Ngay sau đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai hàng loạt giải pháp để nâng cấp chất lượng dịch vụ; đồng thời gắn thêm biển hướng dẫn cho hành khách, lắp bổ sung 3 điểm uống nước miễn phí (nâng lên 9 vị trí đặt nước uống miễn phí). Sân bay cũng yêu cầu đơn vị cung cấp nâng cấp 67 đầu phát WiFi tại khu vực làm thủ tục và lên máy bay, thỏa thuận với một đơn vị khác xây dựng mạng internet không dây miễn phí tại nhà ga, dự kiến đưa vào sử dụng từ ngày 20-12...” - ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết.
Tính toán giờ bay để tăng công suất
Để cải thiện tình trạng quá tải ở các bãi giữ xe gắn máy, ô tô, từ ngày 5-12, sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu triển khai xây dựng nhà để xe nhiều tầng cho nhà ga quốc nội với tổng diện tích hơn 68.000 m2. Công trình dự kiến hoàn thành vào ngày 30-3-2016, giúp tăng diện tích để ô tô, xe máy và tạo lối đi ngầm cho hành khách từ nhà xe đến ga quốc nội kết nối qua khu vực đón taxi, tránh xung đột giữa hành khách đi bộ và các phương tiện di chuyển.
Một số dự án lớn của sân bay cũng được triển khai như xây thêm sân đỗ máy bay từ 41 vị trí hiện nay lên 46 vị trí. Nhà ga quốc tế được mở rộng và hoàn thành vào năm 2017 sẽ nâng công suất phục vụ từ 10 triệu lên 13 triệu hành khách/năm... Dù vậy, khó khăn lớn nhất của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, theo ông Đặng Tuấn Tú, là tình trạng quá tải do giới hạn về hạ tầng. Sản lượng khai thác đã vượt quá công suất thiết kế nhưng hiện không còn đất để mở rộng sân bay.
Dự kiến đến hết năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón tổng cộng 26,35 triệu lượt hành khách (tăng khoảng 4 triệu hành khách so với năm trước). Lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang nghiên cứu, tính toán lại giờ bay trong một số thời điểm nhất định để có thể tăng tần suất chuyến bay, phương án cho các hãng bay đêm cũng được tính đến.
Tân Sơn Nhất hiện là một trong số ít sân bay hoạt động có lãi của ACV, cùng với Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh..., chiếm khoảng 44% tổng lượng khách nội địa và 56% tổng lượng khách quốc tế. Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV, cho biết khoảng 2 năm tới, lượng khách qua sân bay này có thể tăng thêm 5 triệu lượt nên nhu cầu mở rộng là rất lớn. Hiện sân bay đang triển khai một số dự án và cần vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.
Đường ra vào sân bay: Kẹt bất cứ lúc nào!
Chiều 4-12, khu vực đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng bị mất đèn tín hiệu giao thông gây kẹt xe nghiêm trọng. CSGT phải túc trực phân luồng để tránh tình trạng ùn ứ kéo dài do dòng phương tiện ra vào sân bay Tân Sơn Nhất mỗi lúc một đông. Dù đường Trường Sơn từ sân bay đến vòng xoay Lăng Cha Cả đã được mở rộng thêm làn đường cho xe gắn máy nhưng tình trạng ùn ứ vẫn diễn ra thường xuyên. Những lúc mưa to, tình trạng kẹt xe còn kinh khủng hơn do ngập nước, rất nhiều hành khách phải... chạy bộ hoặc lội bì bõm từ ngoài đường Trường Sơn vào sân bay vì sợ trễ giờ.
“Việc kết nối giao thông với thành phố là vấn đề không nhỏ. Tình trạng kẹt xe trên đường ra vào sân bay xảy ra thường xuyên khiến hành khách đi/đến khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác của các hãng hàng không và cả sân bay. Cảng đã nhiều lần kiến nghị UBND TP HCM về đầu tư hạ tầng lâu dài cho khu vực đi/đến sân bay, bởi lượng hành khách sẽ tiếp tục tăng trong khi ít nhất phải 8 năm nữa sân bay Long Thành mới được xây dựng xong, đưa vào khai thác” - ông Tú nói.
Bình luận (0)