Ở TPHCM, cách nay 3 năm, một cựu bí thư Thành ủy TPHCM cũng đã nói thẳng tại cuộc họp chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM rằng, sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP sao chỉ toàn là mì tôm, giấy vệ sinh!?
Thực trạng gây sốc đó, tiếc thay, vẫn chưa được cải thiện là bao. Và nó lại càng lộ rõ hơn khi VN tiến sâu vào hội nhập thế giới với việc gia nhập WTO. Hiện nay, TPHCM có 25 sản phẩm của 19 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhưng trong danh mục này vẫn vắng bóng những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn... Vẫn quanh quẩn mì ăn liền, bánh kẹo, quạt điện, dệt may, hóa chất tẩy rửa... Năng lực cạnh tranh của các sản phẩm này chỉ có thể so sánh ở thị trường nội địa thời chưa gia nhập WTO. Dễ hiểu khi năm 2006, xuất khẩu TPHCM không đạt kế hoạch (chỉ tăng 15% so với kế hoạch 17%). Sáu tháng đầu năm 2007- năm đầu tiên VN gia nhập WTO- dù có nhiều cơ hội hơn về thị trường và cũng nhiều kỳ vọng hơn về mục tiêu- nhưng xuất khẩu TPHCM vẫn ì ạch. Một số ngành như dệt may, giày da tăng trưởng xuất khẩu thấp so với cùng kỳ (10,3%). Toàn ngành công nghiệp TP cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 12,6%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin- một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của TP- đạt chỉ số tăng trưởng rất thấp (8,7%). Nguyên nhân được nhìn nhận vẫn là những tồn tại cũ. Đó là thiếu ngành công nghiệp phụ trợ; thiếu và yếu khâu thiết kế mẫu mã; thiếu chủ động nguồn nguyên liệu (phần lớn nhập khẩu)... Đây cũng chính là vấn đề đặt ra cho TPHCM nhiều năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục được.
“Sản phẩm truyền thống thì năng lực đã kịch trần. Sản phẩm mới thì chưa có” - ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, nhận xét. Vì vậy, để sản phẩm công nghiệp chủ lực của những TP lớn được xem là trung tâm kinh tế của cả nước như Hà Nội, TPHCM thực sự đủ lực, yếu tố đầu tiên là phải nâng tầm quản lý...
Bình luận (0)