Một số sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tỉnh Quảng Ninh đã được kết nối tiêu thụ tại Big C khu vực miền Bắc. Tại miền Nam, một số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể trong chương trình OCOP của Bến Tre cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với hệ thống siêu thị này.
Được hỗ trợ nhưng vẫn ngại tham gia
Chính thức tham gia chương trình OCOP năm 2018, được kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống siêu thị Big C miền Bắc từ 4 tháng, Công ty TNHH Long Hải (Quảng Ninh) đang chuẩn bị thay đổi bao bì có in logo OCOP để người tiêu dùng dễ nhận diện. Ông Phạm Quang Nhuệ, giám đốc công ty, cho biết Long Hải chuyên sản xuất các loại nấm tươi với sản lượng khoảng 2 tấn/ngày, chủ yếu phân phối tại các siêu thị Big C miền Bắc, các cửa hàng thực phẩm và đang chào bán cho hệ thống Vin Eco, B’s Mart. "Trước đây, chúng tôi phải tự tìm thị trường, từ khi tham gia và được chứng nhận sản phẩm OCOP thì được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm OCOP của tỉnh mà không phải tốn chi phí thuê gian hàng; được hỗ trợ bao bì và đăng ký bản quyền, đồng thời kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại mà không tốn phí chiết khấu" - ông Nhuệ hào hứng kể nhờ vậy mà thương hiệu nấm Long Hải được quảng bá rộng rãi, sức tiêu thụ tốt hơn hẳn.
Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL tại tỉnh Bến Tre hồi đầu tháng 6-2019
Chị Thúy Diễm, chủ cơ sở sản xuất Tây Ý (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), đang chuẩn bị xây dựng lại xưởng, đầu tư thêm máy móc để sản xuất các loại cùi bưởi, trái cây sấy… Cơ sở sản xuất của chị đã đủ điều kiện để lấy chứng nhận OCOP, hồ sơ đăng ký chứng nhận cũng đã sẵn sàng nhưng chị Diễm còn phân vân chưa làm bởi quy mô còn quá nhỏ, chưa đủ sức mở rộng thị trường.
Mới đây, tại Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL tổ chức ở Bến Tre, nhiều ý kiến phản ánh thực trạng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất lạc hậu, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất còn nhiều hạn chế, thiếu đầu tư cho bao bì, nhãn mác… đang là rào cản lớn khiến sản phẩm OCOP khó phát triển. Cụ thể, mặc dù chính quyền tỉnh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường tiêu thụ nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao và chưa có nhiều sản phẩm đạt thứ hạng cao. Đến nay, sản phẩm OCOP chưa có đầu ra ổn định.
Phải liên kết để phát triển
Để hỗ trợ phát triển đầu ra cho sản phẩm OCOP, một số hệ thống bán lẻ đã đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay từ những ngày đầu chương trình và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho sản phẩm OCOP. Tháng 1-2019, lần đầu tiên các sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre được giới thiệu đến người tiêu dùng TP HCM tại Hội chợ Giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre tổ chức tại Big C An Lạc. 120 sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh này được người tiêu dùng TP HCM nhiệt tình đón nhận. Sắp tới, trong tháng 7, sản phẩm OCOP các nơi sẽ một lần nữa hội tụ tại TP HCM trong triển lãm sản phẩm OCOP nhân Tuần lễ hàng hóa HTX do Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op tổ chức. Cùng với triển lãm này là những chương trình hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, sản phẩm OCOP hiện quá nhỏ lẻ, khó tồn tại được lâu. Sản phẩm muốn phát triển thì phải bảo đảm quy mô thị trường. Cách làm hiện tại chỉ có thể duy trì được quy mô rất nhỏ, khó thúc đẩy tiêu thụ hay làm thương hiệu. "Ví dụ, cả nước có vài ngàn xã, mỗi xã có 1 sản phẩm được chứng nhận OCOP và đủ tiêu chuẩn cung cấp vào siêu thị. Các sản phẩm này đồng loạt bán vào siêu thị nhưng sản lượng rất thấp, chỉ đủ phục vụ tại 1 điểm bán… Khi đó, số lượng mã hàng, mặt hàng siêu thị phải tăng thêm rất nhiều, quản lý vất vả hơn trong khi hiệu quả mang lại không cao" - ông Đức nêu.
Cũng theo ông Đức, về bản chất, sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề có sự đan xen nhau. Từ nhiều năm trước, Saigon Co.op đã có chính sách ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề, đến nay một số sản phẩm làng nghề đã trụ lại được trong hệ thống Co.opmart, Co.opXtra. "Họ trụ được là do chúng tôi vẫn đang dành ưu đãi, hỗ trợ trưng bày, phát triển sản phẩm; nếu "thả" ra cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp khác thì sản phẩm làng nghề khó đứng vững. Tương lai sản phẩm OCOP cũng vậy. Rất khó để nhân rộng mô hình vì muốn nhân rộng phải đồng nhất về sản lượng, mẫu mã, quy chuẩn sản xuất… Một trở ngại khác là sản phẩm càng đặc trưng của từng địa phương thì càng khó nhân rộng vì họ có bí kíp riêng, không dễ dàng chia sẻ với người khác" - ông Đức nói và cho rằng để phát triển sản phẩm OCOP như kỳ vọng, bước đầu cần quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, làm sao cho thị trường chấp nhận. Bước kế tiếp là phải định hướng họ liên kết, mở rộng quy mô sản xuất. "Cũng có thể coi mặt hàng vải thiều Bắc Giang là 1 sản phẩm OCOP và là 1 điển hình của liên kết. Theo đó, trái vải không chỉ là sản phẩm của 1 xã, 1 huyện mà cả 1 vùng và đã thâm nhập thành công các chuỗi cung ứng lớn, tạo được đầu ra ổn định" - ông Đức dẫn chứng.
Phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững
"Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cả nước, phục vụ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và do tỉnh Quảng Ninh khởi xướng năm 2013. Chương trình nhằm phát huy thế mạnh của sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương trên cơ sở chuyển đổi các nhóm hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang hình thức liên kết tập thể, sản xuất tập trung vào sản phẩm có lợi thế của địa phương, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Bình luận (0)