xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sẵn sàng đón sóng FDI

Thái Phương - Phương Nhung

Việt Nam đang có nhiều lợi thế rất lớn để cạnh tranh với các nước trong khu vục nhằm thu hút dòng vốn dịch chuyển sau dịch Covid-19

Bộ phận nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật về các KCN cho thấy đã có những tín hiệu khởi sắc từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào các KCN 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Cơ hội thứ 3

Theo SSI Research, dịch Covid-19 mở ra bước ngoặt mới, với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Các doanh nghiệp (DN) lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

"So sánh với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Việt Nam cũng rất hỗ trợ DN, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn và rất nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, còn Indonesia không tham gia. Ngay VNĐ gần đây cũng rất ổn định nếu so sánh với đồng tiền của Indonesia" - SSI Research nhận định.

Sẵn sàng đón sóng FDI - Ảnh 1.

Khu Công nghệ cao TP HCM - nơi thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, nhận định cơ hội đón làn sóng FDI là khá rõ ràng nhưng không thực sự lớn và phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tận dụng của Việt Nam. Theo ông, cần nhìn nhận dịch Covid-19 là "giọt nước làm tràn ly" khiến ngày càng nhiều nước muốn rút đầu tư khỏi Trung Quốc. Trước đó, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, nhiều nước đã có ý định rút vốn khỏi cường quốc châu Á này, đặc biệt là Mỹ. "Chúng ta cũng cần tỉnh táo nhận thức rằng nhà đầu tư không dễ dàng rút toàn bộ FDI khỏi Trung Quốc bởi quốc gia này có lợi thế lớn, lực lượng sản xuất hùng hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt và sản phẩm đáp ứng được tất cả các phân khúc thị trường chứ không chỉ phân khúc bình dân" - ông Toàn nói và cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trong việc thu hút một phần dòng vốn chuyển dịch từ nước láng giềng.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể nào để xác định xem dòng vốn dịch chuyển bao nhiêu và đang ở mức độ dự báo. Khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhưng lựa chọn cụ thể thế nào còn tùy thuộc rất nhiều vào chiến lược của nhà đầu tư. Với Việt Nam, chúng ta đang có lợi thế rất lớn về ổn định kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, lợi thế lao động, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết…

Cải thiện tối đa chính sách

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu để sớm trình đề án triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, nhằm có những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

"Đối với từng nhà đầu tư, từng DN đều có phân tích, chủ trương riêng và để Việt Nam nằm trong "tầm ngắm" cần sự nỗ lực từ nhiều phía như cơ quan bộ ngành, trung ương và chính quyền địa phương trong đổi mới công cụ xúc tiến đầu tư, để DN có dự án tốt phù hợp về môi trường, năng lượng… có thể sớm đến Việt Nam" - ông Trần Quốc Phương nói.

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tận dụng cơ hội trong thu hút FDI, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều việc. Cụ thể, cần có nhiều chính sách để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 50 xác định chủ trương, tạo tiền đề, điều kiện nâng cao hiệu quả trong thu hút dòng FDI. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Toàn cũng cho rằng Việt Nam phải cải thiện chính sách một cách tối đa, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính... "Đáng mừng là sau dịch Covid-19, thế giới đã có cái nhìn khác về Việt Nam, không chỉ ở việc chúng ta kiểm soát dịch tốt mà còn ở sự quyết liệt trong điều hành cùng với tính minh bạch được nâng cao. Nhà đầu tư có thể yên tâm hơn khi rót vốn vào Việt Nam. Đây là thời cơ lớn, là cơ hội lần thứ 3 trong lịch sử, sau cơ hội năm 1975 và 1990, để Việt Nam bứt phá. Nếu không có cơ hội và tận dụng được cơ hội sẽ khó lòng bứt phá được" - ông Toàn nói.

Với riêng TP HCM, ông Toàn cho rằng TP là đầu tàu trong thu hút FDI và có đủ mọi điều kiện cũng như năng lực để tận dụng tốt cơ hội này. "TP HCM có thị trường lớn và sôi động, đô thị hóa cao. Mỗi DN, doanh nhân đều có sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, quyết liệt trong các quyết định liên quan đến kinh tế. Vì vậy, TP HCM với nguồn nhân lực và hạ tầng tốt, sẽ đón nhận thành công làn sóng FDI" - ông Toàn đánh giá. 

Nhiều nước muốn rút sản xuất khỏi Trung Quốc

Báo The Times (Anh) hôm 22-5 đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chỉ đạo các quan chức nước này xây dựng kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc nguồn cung y tế thiết yếu và những mặt hàng nhập khẩu chiến lược từ Trung Quốc do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Đại diện chính phủ Anh cho rằng đại dịch Covid-19 phản ánh tầm quan trọng của những chuỗi cung ứng linh hoạt để bảo đảm dòng chảy liên tục của các mặt hàng thiết yếu và giữ cho thương mại toàn cầu luôn chuyển động. Đó là nguyên nhân mà Anh muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh tình trạng thiếu thốn trong tương lai.

Trong khi đó, Mỹ, đồng minh chủ chốt của Anh, được cho là cũng đang lên hàng loạt kế hoạch nhằm thúc đẩy các công ty nước này di chuyển nhà máy hoặc đổi nhà cung cấp chủ chốt khỏi Trung Quốc. Theo tờ Policy Times (Ấn Độ), 27 công ty Mỹ sẽ di dời nhà máy từ Trung Quốc đến Indonesia trong thời gian tới. Đây được xem là một phần trong nỗ lực rút chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy trong thời gian qua. Dự kiến có thêm nhiều công ty Mỹ khác được bổ sung vào danh sách di dời này trong thời gian tới. Chính phủ Indonesia cũng chuẩn bị 4.000 ha đất tại khu công nghiệp Brebes, thuộc tỉnh Trung Java để đón các công ty từ Mỹ.

Không chỉ các DN Mỹ, nhiều công ty của châu Âu và Nhật Bản cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc. Nhật Bản hồi tháng trước tung gói kích thích kinh tế 2,2 tỉ USD để giúp các công ty nước này dời nhà máy và hoạt động sản xuất ra khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới. Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ. Theo trang tin Politico, ông Phil Hogan, ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), mới đây tuyên bố EU cũng sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.

X.Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo