Các chỉ số công nghiệp, thương mại đều tăng trưởng so với tháng trước. Cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 13,3% (tháng 11-2021) lên 13,5% (tháng 12-2021); kim ngạch xuất khẩu (qua cửa khẩu thành phố, trừ dầu thô) tăng từ 5,9% (tháng 11-2021) lên 8,1% (tháng 12-2021).
Riêng trong tháng 1-2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP HCM tăng 5,1%, đạt 73.514 tỉ đồng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 7,1%, đạt 47.913 tỉ đồng; lưu trú và ăn uống tăng 6,7%, đạt 2.777 tỉ đồng; du lịch và lữ hành tăng 8%, đạt 285 tỉ đồng; dịch vụ khác tăng 1%, đạt 22.539 tỉ đồng. Xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng ở thành phố cũng tăng tốt, với mức tăng xuất khẩu 6,54%, đạt 3,75 tỉ USD; nhập khẩu tăng 5,96%, đạt 4,51 tỉ USD.
Sức mua tăng trưởng tốt trở lại trong cao điểm Tết Nguyên đán 2022
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hầu hết các DN sản xuất và hệ thống phân phối đã khôi phục hoạt động. Nhiều DN và nhà bán lẻ trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch phối hợp với nhà sản xuất, nhà cung cấp tăng cường số lượng lớn hàng thiết yếu để phục vụ Tết. Cùng với đó, 3/3 chợ đầu mối và 213/234 chợ truyền thống đã hoạt động trở lại, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng gấp 2-3 lần ngày thường của người dân trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Vì vậy, thị trường Tết không xảy ra khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định.
"Trong quý I/2022, nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương TP HCM là tập trung thực hiện chủ đề năm 2022 của thành phố, xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2022. Trong đó, tập trung nâng cao chỉ số cải cách hành chính; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành logistics trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Bình luận (0)