Biến vỏ cà phê thành sản phẩm cao cấp có giá gần 100 USD/kg; kéo dài thời gian tươi ngon cho đặc sản vải Bắc để có thể vượt biển đến Mỹ, Nhật Bản; đưa tỏi Việt sang Mỹ giữa lúc gia vị Trung Quốc kém cạnh tranh ở xứ cờ hoa. Đó là sự nỗ lực không nhỏ của những tên tuổi lớn trong xuất khẩu nông sản Việt.
Biến "rác" thành đặc sản cao cấp
Cầm trên tay gói trà Cascara Blue Son La được thiết kế đẹp, trang nhã, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh (TP HCM), không giấu vẻ tự hào khi giới thiệu sản phẩm đã được đối tác ở châu Âu mua với giá 99 USD/kg để bán lẻ tại các chuỗi trà - cà phê. "Trong nước, công ty bán trà Cascara Blue Son La chỉ 150.000 đồng/100 g để người Việt được thưởng thức. Nhiều người uống thấy ngon đã quay lại mua tiếp" - ông Thông khoe.
Tổng giám đốc này tiết lộ Cascara thực ra là trà được làm từ vỏ cà phê, vốn là thứ dân mình thường vứt đi. Một lần tình cờ gặp loại trà này được bán ở Mỹ với giá rất cao làm ông tò mò và tìm hiểu cách làm vì nguyên liệu này công ty ông có sẵn. Sau hơn 1 năm mày mò, thử nghiệm, cuối cùng công ty cũng làm ra Cascara và được đối tác đặt mua lô đầu tiên vào tháng 4 vừa qua, ngay lúc cao điểm dịch Covid-19.
Nhờ công nghệ bảo quản mới giúp quả vải tươi đến 45 ngày, có thể xuất khẩu bằng đường tàu biển. Ảnh: AN NA
Theo ông Thông, để làm được Cascara, nguyên liệu cà phê phải được trồng ở vùng đất cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, là loại cà phê Arabica và quả hái từng trái khi chín 100% thay vì tuốt cành. Năm đầu tiên, Công ty CP Phúc Sinh sản xuất được 500 kg trà Cascara, trong đó, 200 kg để xuất khẩu và 300 kg dành cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, khả năng sản xuất tối đa của Cascara Blue Son La chỉ 2 tấn/năm vì vùng nguyên liệu tại Sơn La có hạn. "Sản lượng hạn chế là một trong những yếu tố làm nên giá trị của sản phẩm đặc biệt này" - ông Thông nhấn mạnh.
Công ty CP Phúc Sinh là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hồ tiêu số 1 và tốp 10 về xuất khẩu cà phê của Việt Nam nên ông chủ Phan Minh Thông được mệnh danh là "vua hồ tiêu Việt Nam". Theo ông Thông, sau thời gian dài chuyên xuất khẩu nguyên liệu, công ty chủ động mở rộng sang chế biến sâu từ năm 2016 để sản phẩm có giá trị gia tăng cao. "Tôi từ chối làm hàng gia công mà tập trung phát triển sản phẩm mang thương hiệu công ty để xuất khẩu và cả bán tại nội địa" - "vua hồ tiêu" nói.
Ngoài Cascara, công ty còn tung nhiều sản phẩm mới trong mùa dịch như: tiêu hồng sấy lạnh, tiêu xanh sấy lạnh, xốt tiêu xanh... để giúp người tiêu dùng có sản phẩm chất lượng cao, tiện dụng. Nhờ sáng tạo, đổi mới không ngừng mà mùa dịch, DN vẫn tăng trưởng trong xuất khẩu giữa lúc nhiều DN bị giãn thời gian giao hàng.
Trái vải tươi giữ được hơn 1 tháng
Với mặt hàng vải tươi, năm 2015, loại đặc sản này được Mỹ cấp phép nhập khẩu mùa đầu tiên nhưng sản lượng xuất khẩu thực tế đến năm 2019 vẫn rất hạn chế. Ngay cả DN của "ông vua" xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ là Vina T&T Group cũng chỉ đưa được 1 tấn trái vải sang thị trường này nhưng không thành công. Nguyên nhân được ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, chỉ ra là do Việt Nam chưa có công nghệ bảo quản, quả vải từ khi hái đến lúc hỏng chỉ từ 7-10 ngày. Vì thế, DN phải đưa hàng từ vùng nguyên liệu phía Bắc vào nhà máy sơ chế, đóng gói, chiếu xạ phía Nam bằng máy bay rồi tiếp tục đưa hàng sang Mỹ cũng bằng máy bay khiến giá thành đội lên rất cao, kém cạnh tranh tại Mỹ. "Sau nhiều năm tìm kiếm, thử nghiệm, năm nay Vina T&T Group tự tin với công nghệ bảo quản vải tươi kéo dài đến 45 ngày nên có thể yên tâm đưa hàng vào Nam bằng đường bộ, xử lý rồi xuất sang Mỹ bằng tàu biển với giá cước chỉ bằng 1/36 đường hàng không" - ông Tùng cho hay.
Doanh nhân chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ nói thêm tại Mỹ, trái vải trồng ở bang Florida mất mùa, mùa vải Trung Quốc hết sớm nên hàng Việt Nam đang "sốt", được người tiêu dùng săn lùng rất nhiều. Do đó, Vina T&T Group kỳ vọng trái vải Việt Nam đưa sang sẽ bán chạy nên đặt mục tiêu xuất khẩu 100 tấn sang Mỹ mùa này.
Cũng là mặt hàng trái vải tươi nhưng trường hợp này là xuất khẩu sang Nhật. Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cũng là một trong những DN tốp đầu về xuất khẩu trái cây tươi, sẽ đưa lô trái vải tươi đầu tiên sang Nhật trong vài ngày tới. Tuy nhiên, quy định của thị trường Nhật lại khác hoàn toàn Mỹ. Trong khi Mỹ yêu cầu chiếu xạ thì Nhật lại đòi xử lý xông hơi khử trùng bằng hóa chất methyl bromide - một công nghệ mới hoàn toàn.
Theo bà Ngô Tường Vy, phó giám đốc DN này, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc chuẩn bị do đi lại khó khăn. "Tuy nhiên, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Cơ - Điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, UBND tỉnh Bắc Giang… cùng DN đã cố gắng làm việc cật lực, không nghỉ cuối tuần, thậm chí lễ 30-4, 1-5 cũng làm để kịp tiến độ. Chúng tôi được hỗ trợ công nghệ bảo quản từ Viện Cơ - Điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cùng bí quyết riêng nên có thể bảo quản trái vải tươi theo quy định của thị trường Nhật từ 21-30 ngày. Do đó, sẽ xuất khẩu phần lớn trái tươi sang Nhật bằng đường tàu biển với sản lượng dự kiến khoảng 100 tấn" - bà Vy thông tin.
Theo bà Vy, mục tiêu của DN với thị trường Nhật là xây dựng hình ảnh, thương hiệu trái vải Việt Nam tại đây nên chưa đặt vấn đề lợi nhuận. Tuy vậy, với nông dân liên kết, DN cam kết thu mua trái vải với giá không thấp hơn 25.000 đồng/kg, để bà con yên tâm trồng trọt và tuân thủ các quy định của thị trường Nhật.
Cơ hội xuất khẩu gia vị sang Mỹ
Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay Vina T&T Group đang phát triển thêm mặt hàng tỏi lột, gừng..., kỳ vọng bù đắp sự sụt giảm của xuất khẩu vú sữa, chôm chôm... do cước vận chuyển hàng không mùa dịch tăng gần gấp 2 lần. Trước mắt, lô tỏi lột Việt Nam đầu tiên với số lượng 15 tấn đang chuẩn bị xuống tàu sang Mỹ. Trước đây, các loại gia vị Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Mỹ nhưng nay thuế nhập khẩu quá cao nên các nhà nhập khẩu Mỹ tìm kiếm nguồn cung mới từ Việt Nam.
Bình luận (0)