Theo ông, sức sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất sang 180 nước với 30 tỉ USD kim ngạch năm 2016, dự kiến năm 2017 là 35 tỉ USD. "Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng 5%-7% mỗi năm. Chúng ta lựa chọn hai con điển hình là tôm và cá tra. Riêng tôm, thế giới có 7 tỉ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn" - ông Cường phát biểu trước Quốc hội.
Hình như, theo ông bộ trưởng thì chỉ có Việt Nam mới có tôm xuất khẩu hay trên thế giới người ta chỉ biết đến và tiêu thụ mỗi con tôm của Việt Nam?
Mới nghe, đúng là lạc quan nhưng nhiều người cũng không khỏi bật cười. Hình như ông bộ trưởng đã quên mấy năm nay người nông dân luôn lao đao vì tiêu thụ nông sản. Chuối đổ cho bò ăn, thanh long không ai muốn hái, ớt chín đỏ cây không ai thu hoạch, chanh dây không có đầu ra, thịt heo thì phải nhờ cả nước giải cứu... Tôm, cua, cá thì chết hàng loạt. Mới đây nhất là cái thẻ vàng của EU đang còn treo trên đầu mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam.
Tại thời điểm này, Việt Nam vẫn là một nước nông công nghiệp với nền kinh tế nông nghiệp là chính. Vậy mà kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm 2017 còn thua cả Samsung với 3 nhà máy ở Việt Nam.
Nền nông nghiệp nước ta vẫn lạc hậu và tự phát. Chúng ta đã quen với cảnh mỗi năm lại có vài mặt hàng nông sản rớt giá thảm hại, rớt giá tới mức người nông dân không thuê nhân công thu hoạch vì tiền bán sản phẩm không đủ trả tiền công.
Bộ trưởng và vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang ở đâu, khi mà người nông dân từ năm này qua năm khác mãi loay hoay với câu hỏi trồng cây gì và nuôi con gì mới hiệu quả?
Người nông dân vẫn phụ thuộc gần như toàn bộ vào thương lái, trong đó một nguyên nhân không nhỏ chính là hệ lụy của sự quản lý chồng chéo của các cơ quan chức năng.
Nếu xét về các yếu tố địa lý, khí hậu, dân số, Việt Nam có thể trở thành một trong những nước phát triển hàng đầu về nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản nhưng chúng ta lại tuột ở phía sau và đi chậm so với rất nhiều nước khác không có những lợi thế như thế. Vậy nguyên nhân do đâu? Thiết nghĩ, ngoài những biện pháp hỗ trợ, chúng ta cũng nên có một chế tài, ràng buộc trách nhiệm cụ thể với các cơ quan quản lý. Không thể để tình trạng nuôi trồng một cách tự phát như hiện nay, rồi hằng năm ở đâu đó trên đất nước lại lập lại điệp khúc "rớt giá", "giải cứu" như lâu nay.
Bình luận (0)