Tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương gửi tới Chính phủ với sự ngập ngừng nước đôi của bộ này liên quan đến việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vào thị trường.
Thực tế đã diễn ra
Trong khi đó, dù chưa trở thành quy định nhưng thực tế việc chuyển nhượng này đã diễn ra với nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước thông qua quá trình cổ phần hóa, huy động vốn đầu tư được Thủ tướng thông qua chủ trương thực hiện.
Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã bán cho NĐTNN 20% cổ phần, tỉ lệ tham gia của nước ngoài vào Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 35%, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn là 49%... "Đến nay, các DN này vẫn đang kinh doanh, hoạt động bình thường" - Bộ Công Thương nhận xét.
Không những thế, ngành công thương còn thừa nhận sự tham gia của NĐTNN góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính, qua đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp giá trị các DN gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.
Petrolimex thời gian qua đã bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài Ảnh: TẤN THẠNH
"Ngoài DN nhà nước đã được Thủ tướng cho phép bán cho NĐTNN khi cổ phần hóa thì trên thực tế còn hàng ngàn DN thuộc các thành phần kinh tế khác đang tham gia kinh doanh xăng dầu đã niêm yết trên sàn chứng khoán cũng có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các NĐTNN cũng quan tâm tới cổ phiếu của các công ty đó nhưng đều gặp khó khăn vì thiếu quy định cụ thể, rõ ràng. Do đó, việc rà soát bổ sung nội dung cho phép DN xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho nước ngoài là phù hợp với thực tế đã phát sinh và nhu cầu phát triển của ngành xăng dầu trong nước. Ngoài ra, cần cân nhắc lợi ích của việc chưa mở cửa cho NĐTNN mua cổ phần của DN kinh doanh xăng dầu với việc mở cửa thu hút vốn, công nghệ của NĐTNN sớm. Bởi, đề xuất mở cửa thị trường xuất phát từ chính nhu cầu của DN kinh doanh xăng dầu trong nước, không phải của DN nước ngoài" - Bộ Công Thương diễn giải lý do đưa ra đề xuất về tỉ lệ tham gia của DN ngoại vào ngành xăng dầu trước đây.
Tuy nhiên, lo ngại của các bộ Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về vấn đề an ninh năng lượng, tính pháp lý và lợi ích thực chất của việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài khiến Bộ Công Thương nhiều lần phải cân nhắc.
"Trên cơ sở kết quả xin ý kiến thành viên Chính phủ và báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng xem xét thông qua toàn bộ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014. Trong trường hợp Chính phủ thấy nội dung cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho NĐTNN không quá 35% cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm, Bộ Công Thương kiến nghị bỏ nội dung này ra khỏi dự thảo" - kiến nghị nước đôi của cơ quan quản lý ngành xăng dầu trước một vấn đề được cho là nhạy cảm.
Mở cửa nhiều hơn nữa
Đáng chú ý, lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng, tính pháp lý và lợi ích thực chất của việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài là bài toán tồn đọng từ nhiều năm trước chờ Chính phủ nhiệm kỳ mới đưa ra lời giải.
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, cho rằng thị trường năng lượng nói chung và thị trường xăng dầu nói riêng lẽ ra cần mở cửa, cần thị trường hóa từ rất lâu rồi. "Một cột mốc quan trọng để bứt phá mở cửa là năm 1993, khi Liên Xô cắt viện trợ cho Việt Nam nhưng chúng ta đã bỏ qua. Nay tuy đã muộn nhưng việc mở cửa thị trường vẫn rất cần thiết. Tại sao vẫn còn rụt rè, cân nhắc? Đưa ra lý do về an ninh năng lượng là không thỏa đáng bởi dù muốn hay không muốn, Việt Nam cũng đã và đang nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu từ nước ngoài. Việc đưa NĐTNN tham gia thị trường không làm thay đổi bản chất cung - cầu mà lại giúp thị trường cạnh tranh tốt hơn" - ông Sơn phân tích.
Cũng theo TS Nguyễn Thành Sơn, việc mở cửa thị trường cho nhà đầu tư thuộc mọi thành phần tham gia cùng với việc thay đổi tư duy điều hành một giá duy nhất sẽ giúp giá xăng dầu trở về đúng với thị trường. Tức, giá xăng sẽ tăng giảm theo đúng nhịp điệu thị trường, người tiêu dùng không cần phải ứng trước một khoản quỹ bình ổn, đồng thời sẽ có nhiều giá để lựa chọn. Như vậy, việc cho phép tăng thêm đầu mối kinh doanh xăng dầu mới có ý nghĩa thực chất và mục tiêu điều hành mới thật sự vì quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh việc bán cổ phần cho NĐTNN đã diễn ra trên thực tế theo các chủ trương hoặc thỏa thuận của Chính phủ trong từng trường hợp cụ thể. Sau quá trình bán cổ phần, chưa ghi nhận dấu hiệu bất ổn nào liên quan đến vận hành thị trường hay đe dọa tới an ninh năng lượng. Do vậy, việc cân nhắc mở cửa thị trường xăng dầu nhiều hơn nữa là hoàn toàn hợp lý. "Nới cửa cho NĐTNN là hợp lý bởi khi đã hội nhập vào sân chơi chung của thế giới, chúng ta nên học theo những kinh nghiệm mở cửa thị trường của các nước. Hiện nay, có nhiều nước đã mở cửa với thị trường này như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản..." - ông Đào nêu.
Tham gia tất cả các khâu
Theo ông Đặng Đình Đào, kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích. Do vậy, trên thị trường đã xuất hiện nhiều vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu với quy mô lớn. Một trong những nguyên nhân là bởi vẫn duy trì cơ chế độc quyền nhóm, không chỉ nước ngoài mà ngay cả tư nhân trong nước cũng không dễ tham gia thị trường này. Chỉ khi nào mở cửa thật sự để thị trường vận hành theo đúng cung - cầu, cho DN tư nhân có đủ tiềm năng tham gia nhằm tăng tính cạnh tranh thì lúc đó thị trường mới có thể vận hành lành mạnh hơn.
"Ngay cả việc giới hạn tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư ngoại vào thị trường xăng dầu không quá 35% cũng nên cân nhắc nới thêm. Ngoài ra, nên cho nhà đầu tư tham gia tất cả các khâu từ nhập khẩu, phân phối đến bán lẻ..., bởi nếu chỉ cho họ tham gia khâu "hạ nguồn" mà không được tham gia từ "thượng nguồn" thì không có sự canh tranh toàn diện" - ông Đào nói thêm.
Bình luận (0)