Điều mà những gia đình mắc bẫy đau đớn hơn khi phát hiện ra là ngay từ đầu, chủ đầu tư đã chủ đích lừa mình. Dù chưa được phép huy động vốn, đã trễ hạn giao nhà nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình lừa bán tiếp những căn hộ “ma” và thu đến 95% số tiền bán căn hộ.
Vào tròng
Bà N. P. N. Phương (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết tháng 2-2011, bà ký hợp đồng mua căn hộ ở tầng 8, diện tích 82 m2 tại dự án Vạn Hưng Phát (đường Bông Sao, quận 8, TP HCM - do Công ty TNHH Xây dựng Vạn Hưng Phát làm chủ đầu tư) với hơn 1,6 tỉ đồng, thanh toán theo tiến độ.
Đến khi đóng gần 700 triệu đồng thì bà Phương phát hiện chủ đầu tư không hề triển khai dự án trong khi thời hạn giao nhà gần kề. Sốt ruột, bà Phương nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Vạn Hưng Phát. “Lần nào liên lạc, ông Minh cũng nói có đối tác nước ngoài sắp ký hợp đồng mua lại dự án và sẽ thực hiện tiếp. Nhưng đến nay đã hơn 3 năm mà vẫn chưa thấy gì” - bà Phương trình bày.
Được một người quen giới thiệu, tháng 8-2012, ông Trịnh Kỳ (ngụ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) ký hợp đồng mua lại căn hộ ở tầng 19, diện tích 83 m2 với giá hơn 1,9 tỉ đồng. Tại thời điểm ký hợp đồng, lãnh đạo Công ty Vạn Hưng Phát khuyến khích nếu khách hàng thanh toán 95% giá trị căn hộ thì sẽ được giảm giá nên ông Kỳ đóng một lúc 1,8 tỉ đồng.
“Lúc đầu còn phân vân nhưng khi nghe ông tổng giám đốc khuyên nên thanh toán một lần và công ty ra biên lai hẳn hoi nên tôi nghĩ chỉ vài tháng sau là mình sẽ có nhà mới. Hơn 3 năm nay, cả gia đình tôi mất ăn mất ngủ vì tài sản đã đem đưa cho họ hết, giờ nhà không có, chủ đầu tư trốn biệt” - ông Kỳ bức xúc.
Cẩn thận hơn, ông Trần Phú Cường (nhà ở quận Tân Phú, TP HCM) chỉ đồng ý mua lại căn hộ tại dự án này từ một khách hàng khác khi chủ đầu tư đã chuyển từ hợp đồng hứa mua bán sang hợp đồng mua bán chính thức. “Thấy dự án đã được thi công phần móng nên tôi yên tâm, đóng 2 lần tiền tổng cộng 320 triệu đồng. Nào ngờ, qua nhiều năm đến nay, dự án vẫn “trùm mền” và biết mình đã bị cho vào tròng” - ông Cường chua chát.
Nguy cơ mất trắng
Bức xúc trước hành vi vi phạm hợp đồng trắng trợn của Công ty Vạn Hưng Phát, ít nhất 20 khách hàng đã lần lượt khởi kiện công ty này. Theo đó, dù TAND quận 8 đã mời đại diện phía Vạn Hưng Phát là ông Nguyễn Văn Minh đến nhưng không khi nào ông ta có mặt.
Cuối cùng, tòa phải xét xử vắng mặt bị đơn theo luật định và ra các quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của khách hàng, đồng thời buộc chủ đầu tư phải thanh toán tiền gốc mà khách hàng đã đóng cộng lãi suất ngân hàng do chậm tiến độ… Dù vậy, đến nay đã gần 2 năm, kể từ người khởi kiện đầu tiên, vẫn chưa ai đòi lại được tiền từ Công ty Vạn Hưng Phát. Từ đây, người dân “cầu cứu” đến Báo Người Lao Động.
Sau khi xác minh vụ việc đúng như những gì người dân đã nêu, tìm đến Chi cục Thi hành án Dân sự quận 8, chúng tôi được ông Trần Quốc Học, chi cục phó, cho biết: Sở dĩ khách hàng thắng kiện nhưng chưa được thi hành án là vì với những trường hợp này rất khó thi hành án.
Qua xác minh điều kiện thi hành án cho thấy Công ty Vạn Hưng Phát còn nợ tiền thuế sử dụng đất của quận 8 hơn 23 tỉ đồng; còn dự án này đã được Vạn Hưng Phát mang thế chấp để vay 66 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bình Chánh, đến nay cả lãi và gốc đã tăng lên hơn 130 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng đang tiến hành thủ tục để khởi kiện Công ty Vạn Hưng Phát ra tòa.
Cố tình lừa khách (?)
Trước tình thế “sập bẫy hoàn toàn”, mới đây, hàng chục khách hàng là nạn nhân của dự án này đã kéo đến trụ sở công ty trên đường Tùng Thiện Vương để đòi quyền lợi nhưng công ty đã không còn đặt trụ sở tại đó. Liên lạc với lãnh đạo công ty thì không ai nghe điện thoại...
Bà Mai Thị Phương (ngụ quận 5), một trong những nạn nhân của dự án này, bức xúc: “Tìm đến công ty không được, đi kiện cũng không xong, nhiều người làm đơn tố cáo đến công an thì bị trả lại vì cho rằng đây là án dân sự. Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy công ty, mà cụ thể là ông tổng giám đốc, có dấu hiệu lừa đảo ngay từ đầu bằng cách cố tình bố trí xe cần cẩu, mở đèn sáng ở công trình để nhiều người thấy rằng công ty đang thực hiện dự án. Như vậy, chẳng phải là lừa đảo là gì”.
Đặc biệt, qua tìm hiểu, dù trễ hạn giao nhà đang bị không ít khách hàng kiện nhưng Vạn Hưng Phát vẫn tiếp tục ký hợp đồng giao dịch mua bán, thu tiền của khách hàng mua căn hộ đến tầng 21. Đặc biệt là “thu một cục” đến 95% số tiền bán căn hộ. Cụ thể như trường hợp ông Trần Đức Khôi (quận 10, TP HCM), ông Nguyễn Văn Minh đã thu tiền căn hộ tầng 21, diện tích trên 150 m2 với giá 5,2 tỉ đồng; bán cho ông Nguyễn Trọng Tâm (quận Tân Phú), thu 95% là hơn 1,5 tỉ đồng....
Khi chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Minh thì được ông hứa: “Cuối tuần này, chúng tôi sẽ có đối tác mua lại dự án, sau đó chúng tôi bỏ thêm tiền để chủ đầu tư mới thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, cho nhà cung cấp và quan trọng là ưu tiên thanh toán tiền cho khách hàng…”. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi đối tác mới là ai, mua lại dự án với giá bao nhiêu và đã tiến hành ký hợp đồng chưa… thì ông Minh ậm ờ không nói.
Đặc biệt, ông Minh thừa nhận hiện tại các căn hộ trong dự án này đã được bán cho hơn 100 khách hàng với tổng giá trị khoảng 70 tỉ đồng, nợ ngân hàng cả gốc và lãi trên 130 tỉ đồng, nợ các đối tác cũng với con số hàng trăm tỉ đồng.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Trần Đăng Minh - Văn phòng Luật sư Thiên Định (Đoàn Luật sư TP HCM): Căn cứ theo quy định việc huy động vốn chỉ được phép thực hiện khi đã hoàn tất phần hạ tầng và phần móng của chung cư theo điều 39 Luật Nhà ở.
Nếu như có đầy đủ căn cứ xác định chủ đầu tư tiến hành việc huy động vốn khi chưa hoàn tất “phần hạ tầng và phần móng của chung cư” theo điều 39 của Luật Nhà ở thì đã có dấu hiệu vi phạm. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm cụ thể cũng như số tiền huy động mà cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tương ứng với tội danh đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự.
Bình luận (0)